Tỉnh khó khăn sẽ có cụm thi chỉ xét công nhận tốt nghiệp
Theo dự thảo Bộ GD&ĐT sẽ thành lập cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao cho các trường ĐH chủ trì. Cụm thi được thành lập để tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất hai tỉnh (cụm thi liên tỉnh). Riêng đối với những tỉnh có khó khăn, nếu UBND tỉnh đề nghị, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tại tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Các trường ĐH được giao chủ trì cụm thi sẽ chủ trì coi thi, chấm thi, in và gửi Phiếu báo kết quả thi; Chủ trì thành lập, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng thi; Tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi…
Các trường ĐH sẽ lựa chọn, giới thiệu cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi. Các sở GD&ĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và gửi dữ liệu đăng ký về Bộ GD&ĐT. Tổ chức việc chuẩn bị hồ sơ và điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi, thu nhận và chuyển danh sách thí sinh đề nghị phúc khảo đến các cụm thi; Phối hợp với trường ĐH chủ trì cụm thi để tổ chức kỳ thi, điều động cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi.
Cũng theo dự thảo, hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi trước ngày 1- 4 hằng năm. Khi phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông cho Thủ trưởng trường phổ thông hoặc nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Các trường ĐH có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển
Cũng thao dự thảo quy chế, sau khi hoàn tất các khâu chấm điểm, giám đốc sở GD&ĐT duyệt kết quả công nhận tốt nghiệp và thông báo cho các trường phổ thông để niêm yết danh sách tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho thí sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường.
Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 25 ngày trong đó 20 ngày đầu tiên dành để tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh; điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước.
Đối với trường sử dụng phương án thi tuyển, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do trường xác định trên cơ sở phân tích kết quả thi trong phạm vi toàn trường của từng môn thi hoặc tổng điểm các môn thi của tổ hợp xét tuyển và báo cáo Bộ GD&ĐT kèm theo giải trình về chất lượng nguồn tuyển trước khi công bố.
Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập ở THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH và 5,5 đối với hệ CĐ.
Đối với việc xét tuyển của các trường tuyển sinh riêng, hồ sơ đăng kí dự thi, đăng ký xét tuyển do trường quy định phù hợp với phương thức tuyển sinh của trường và thời gian đăng kí thi tuyển, xét tuyển do trường quy định phù hợp với phương thức tổ chức đào tạo tại trường và Khung kế hoạch thời gian năm học của giáo dục phổ thông. Thời gian kết thúc tuyển sinh được thực hiện theo quy định.
Vẫn có tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào Cũng theo dự thảo, tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định môn thi chính được nhân hệ số 2 khi xét tuyển. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với khối thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2014. Theo quy định, căn cứ kết quả thi của thí sinh trên toàn quốc, Bộ GD&ĐT sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường dựa vào đó lên phương án xét tuyển vào học ĐH, CĐ. |