Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25-11 tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết Việt Nam liên tục duy trì được đà tăng trưởng trung bình 7%/năm, quy mô nền kinh tế mở rộng hơn.
Tuy nhiên chất lượng nền kinh tế còn thấp, hiệu quả thấp kéo theo sức cạnh tranh yếu.
Chúng ta nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Cơ cấu nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp còn thấp, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị lớn xuất khẩu phần lớn là gia công.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, DN Việt Nam không thể chấp nhận là "xưởng gia công" mãi thế này được.
Như ngành da giày cũng phải góp phần cân bằng cán cân thương mại. Chuyển đổi, sử dụng những vật liệu mới thay thế nguyên vật liệu truyền thống, hạn chế thuộc da để giảm ô nhiễm môi trường.
"Cần nghiên cứu, phát triển các ý tưởng, công tác quản lý sản xuất, xây dựng mạng lưới phân phối gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Phải tạo thương hiệu Made in Vietnam chứ không thể mãi với những sản phẩm kém hấp dẫn, thiếu cạnh tranh" - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham quan nhà máy sản xuất giày xuất khẩu sang Mỹ.
Trong khi đó, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lịch sử phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang có vấn đề, nếu không giải quyết được thì tương lai của ngành rất khó khăn và sẽ chìm sâu trong khủng hoảng.
Công nghiệp hỗ trợ nên tư duy lại, vì 15 năm nay chúng ta bàn luận nhiều nhưng ngành vẫn đang trong tình trạng non yếu. Hiện nay đã có những DN có tỉ lệ nội địa hóa rất cao, tự sản xuất được các linh kiện bu lông, ốc vít đến các chi tiết công nghệ phức tạp nhưng số lượng những DN này rất ít.
“Cái khó nhất của chúng ta là nằm bên cạnh Trung Quốc, “đại công xưởng” của thế giới với công nghệ hơn nước ta, giá thành rẻ hơn, thị trường rộng lớn.
Vấn đề nước ta khuyến khích các ngành sản xuất giá rẻ, dựa vào nhân công, nguồn vốn thì không thể cạnh tranh lại Trung Quốc mà cần tập trung chuyên sâu. Chúng ta thiếu chính sách khuyến khích sản xuất nội địa, hầu hết toàn nhập khẩu linh kiện về lắp ráp” - ông Thiên phân tích.
Chuyên gia này kiến nghị Việt Nam cần xem lại chính sách ưu đãi đối với DN FDI, đồng ý các DN FDI lớn có công nghệ hiện đại, năng lực chất lượng cần có ưu đãi thuế, chính sách.
Đối với những DN nhỏ và vừa nước ngoài đầu tư vào nước ta thì nên xem xét, chọn lọc, không dễ dãi ưu đãi cho những DN FDI nhỏ và vừa có công nghệ lạc hậu.
Nếu muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ cần ưu đãi tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa trong nước, để có cơ sở cạnh tranh với các DN FDI.