La Dalat không phải là chiếc xe hơi sản xuất đầu tiên ở Việt Nam mà đó là chiếc Chiến Thắng tại miền Bắc sản xuất năm 1959. Vì nhiều lý do, xe Chiến Thắng không được sản xuất hàng loạt. Trong khi đó La Dalat dù sinh sau đẻ muộn nhưng được sản xuất đại trà đã trở thành một thương hiệu quen thuộc, không thể nào quên với người dân Việt Nam.
Những người đam mê dòng xe La Dalat
“Năm 1980, gia đình tôi về quê ở Bến Tre, cha tôi mượn được một chiếc xe “con bọ” (Wolkswagen) để cả nhà đi. Lúc đó đường xấu khủng khiếp, con bọ túc tắc trên đường bị một chiếc xe vù qua mặt, cho xe chúng tôi “ngửi khói”. Bác tài không thể nào vượt chiếc xe đó được do đường xấu, ổ gà. Tôi còn nhớ rõ khi nhìn vào gầm xe từ phía sau, hai bánh xe có gắn hai cục gù cứ nhún nhảy liên tục nên chiếc xe cứ băng băng lướt trên đường xấu về phía trước như không. Về nhà, ông tôi nói: Đó là xe La Dalat của Việt Nam đó con. Hình ảnh chiếc xe nhỏ, nhẹ linh động lướt trên con đường ổ gà in mãi trong tâm trí tôi khiến tôi dâng lên một nỗi tự hào, hãnh diện về xe Việt Nam. Khi lớn lên có điều kiện, tôi “thửa” ngay một chiếc La Dalat và gắn bó với nó đến giờ” - anh Lê Chí Trung, biệt danh 9 Hoi, một người chơi xe La Dalat hiện sống ở TP Mỹ Tho, kể lại mối lương duyên với chiếc xe.
Có những người mê xe đến khó tin, như ông Ba Hòa ở Hóc Môn, ngày xưa ông thi đỗ tú tài, phần thưởng cha mẹ dành cho ông là chiếc xe La Dalat. Sau này ông không có điều kiện chạy nữa nhưng ông vẫn không bán chiếc xe phần thưởng kỷ niệm đó dù được trả tới cả trăm triệu đồng mà cất trong nhà, kê xe lên cao như một bảo vật. Thậm chí sau 40 năm chiếc xe của ông vẫn còn giữ nguyên bộ vỏ Michelin nguyên thủy đã bị phồng.
Dù đã hư hỏng và biến mất khỏi thị trường khá nhiều, vẫn còn một số lượng La Dalat đang được sử dụng. Hội người chơi La Dalat ở khắp các tỉnh, thành vẫn thỉnh thoảng giao lưu, lăn bánh để chia sẻ niềm đam mê với dòng xe này. Họ chia sẻ các kinh nghiệm sửa chữa, khắc phục sự cố để vận hành xe tốt hơn…
Thành viên nhóm La Dalat đi thăm các xe cũ được “trùm mền” cất trong kho. Ảnh: LÊ CHÍ TRUNG
Cơ hội đến từ nguy cơ
Nhìn lại bối cảnh ra đời của La Dalat có thể thấy thị trường ô tô của miền Nam trước năm 1954 phần nhiều là xe Pháp, người dân cũng đã quen với các nhãn hiệu Citroen, Peugoet… Sau năm 1954, các hãng xe Mỹ như Lincoln, Cadillac, Chevrolet, Oldsmobile, Plymouth, Ford, Dodge với động cơ mạnh, to khỏe ồ ạt đổ vào, dòng xe sang trọng do Mỹ và Đức thống trị và đến những năm 1960, đến lượt các hãng xe Nhật như Toyota, Daihatsu, Mazda, Mitsubishi, Nissan… đổ bộ vào chiếm phân khúc xe hạng trung. Lúc này xe Pháp trở nên lép vế và có nguy cơ bật bãi khỏi thị trường Nam Việt Nam. Để cứu vãn tình hình, hãng Citroen dự định đưa ra một loại xe gọn nhẹ, rẻ tiền, ít hao nhiên liệu để cạnh tranh với xe Nhật, với châm ngôn FAF (Facile À Fabriquer, Facile À Financer = dễ sản xuất, dễ trả tiền).
Citroen Việt Nam lúc này đổi tên là Công ty Xe hơi Sài Gòn đã bắt tay vào nghiên cứu mẫu xe mới dựa trên khuôn mẫu của hai chiếc Méhari và Babybrousse. Họ tạo ra một chiếc xe mới gọi là La Dalat, một thương hiệu Việt thuần túy, chỉ sản xuất và bán tại thị trường Việt Nam.
Chiếc xe được thực hiện dựa trên nguyên tắc: Các bộ phận chính yếu như máy móc, khung sườn được nhập từ Pháp, còn thân xe, các trang bị phụ kiện… sẽ do Việt Nam sản xuất.
Phần thân xe được thiết kế khá vuông vức, ít có các đường nét bo tròn do Nam Việt Nam chưa có máy dập thép hạng nặng nên đưa các thiết kế đó là hợp lý với điều kiện Nam Việt Nam lúc đó. Rủi mà may, vì thời gian đó người ta quá quen với các kiểu xe bo tròn nên chiếc La Dalat vuông vức, tuy có thô nhưng cũng có phần độc đáo, lạ mắt. Thậm chí với sự thành công của La Dalat tại Việt Nam, hãng mẹ Citroen đã mang ba chiếc xe về Pháp để nghiên cứu lấy ngoại hình của nó cải tiến làm chiếc Babybrousse thế hệ thứ hai.
Lý do quyến rũ
Chỉ trong vòng năm năm, đến năm 1975 đã có 5.000 chiếc La Dalat với bốn chủng loại khác nhau xuất xưởng, một con số kỷ lục thời bấy giờ. Vì sao ô tô, vốn dòng sản phẩm sang trọng, mắc tiền với một nhãn hiệu lạ hoắc lại là “đồ lô” có thể hấp dẫn người Việt vốn “sùng hàng ngoại” như vậy?
Trước hết là giá cả, nhờ chính sách nội địa hóa một phần đã khiến giá thành xe La Dalat giảm đáng kể, cạnh tranh được cả với dòng xe tầm trung rẻ tiền của Nhật. Các tài liệu cũ cho thấy vào năm 1971, xe Mazda 1200 có giá 1.450.000 đồng, Toyota 800 sedan 1.100.000 đồng thì giá La Dalat chỉ vỏn vẹn 650.000 đồng, giá cực tốt mà các hãng xe Nhật khó lòng cạnh tranh lại.
La Dalat dựa trên mẫu xe Méhari, mà mẫu xe này cũng sử dụng từ động cơ của dòng xe nổi tiếng 2CV. Đây là dòng xe có rất nhiều ưu điểm, thậm chí được coi là đi trước thời đại, với thiết kế hai máy đối đỉnh (flat twin), hệ thống đánh lửa không có bộ chia điện, hệ thống dẫn động cầu trước và quan trọng nhất là hệ thống nhún treo độc lập bốn bánh giúp xe chạy cực êm trên đường xấu. Với điều kiện đường sá rất tệ như ở Việt Nam lúc đó, hệ thống nhún này quả thật là yếu tố then chốt giúp La Dalat vượt mặt nhiều loại xe khác.
Thứ ba, xe sử dụng động cơ bốn thì, vỏn vẹn 602 phân khối, hộp số gồm bốn số tay. Xe chỉ dài 3,5 m, rộng 1,53 m, cao 1,54 m và nặng 480-590 kg tùy theo kiểu. Với dung tích xi lanh nhỏ như vậy, xe cực kỳ tiết kiệm nhiên liệu, chạy 100 km chỉ tiêu tốn hơn 4 lít xăng. Nên nhớ một chiếc xe hai bánh Honda 50 phân khối thuộc dạng “yếu xìu” cũng tiêu thụ gần 2 lít xăng cho quãng đường tương tự thì có thể nói mức độ ăn xăng của La Dalat là cực kỳ hấp dẫn người sử dụng. Tất nhiên, máy nhỏ thì yếu, khuyết điểm của La Dalat là leo dốc chậm nhưng phần lớn địa hình miền Nam có đông người dân sinh sống lúc đó là đồng bằng, vùng Tây Nguyên đồi dốc người ta ít khi có nhu cầu đi lại nên khuyết điểm này được xem là không đáng kể so với ưu điểm lợi xăng mang lại.
Xe có phụ tùng dễ thay thế, nhất là các thiết bị được nội địa hóa luôn sẵn có và giá cực rẻ.
Ban đầu tỉ lệ nội địa hóa chỉ chiếm 25% nhưng sau năm năm, tỉ lệ này đã lên đến 40%. Sự gia tăng tỉ lệ cũng như kết quả kinh doanh thuận lợi là quãng chạy đà để những người lạc quan tin rằng chỉ sau một thời gian nữa, Việt Nam lúc đó sẽ từng bước tiến tới tự sản xuất được những thiết bị máy móc quan trọng và góp phần tạo dựng được nền công nghiệp xe hơi của riêng mình. Chỉ tiếc là những biến động lịch sử đã khiến mất đi một thương hiệu ô tô quen thuộc và giá trị. Nhưng nguy hiểm nhất, một thời gian dài thiếu vắng ô tô nội địa đã tạo nên sự gia tăng tính sính ngoại và phụ thuộc vào sản phẩm nước ngoài của người tiêu dùng.
Chiếc xe cũ với những người lái mới
Sau năm 1975, phần lớn xe La Dalat được sung công, nhiều công ty, bệnh viện, lực lượng kiểm lâm… đã sử dụng dòng xe này. Số xe tư nhân sử dụng khá ít nhưng được duy trì đều đặn. Thời gian 10 năm gần đây, nhiều người bắt đầu quan tâm, tìm mua và sửa chữa, độ chế La Dalat. Những tay lái già đã gắn bó với chiếc xe từ lúc nó sinh ra như bác Hà Huy Đỉnh đã lớn tuổi, phải nghỉ lái nhưng La Dalat tiếp tục lăn bánh với những chủ nhân mới trẻ hơn. Họ đến với La Dalat vì tình yêu với một thương hiệu Việt từng một thời vang dội.
Ông Tân “Âu Cơ”, một bậc lão làng về xe La Dalat, đã có thâm niên gần 40 năm sửa chữa dòng xe này tại TP.HCM, nhớ lại: Những năm sau 1975, lúc đó phụ tùng còn nhiều, các xe La Dalat thường được sửa chữa, thay thế nhanh chóng mỗi khi gặp sự cố. Dần dần thiếu phụ tùng, các xe chỉ còn được sửa chữa tạm thời, miễn đảm bảo không phải nằm đường. Ông Tân nói nhiều lúc cũng muốn bỏ nghề vì xe cũ công việc vất vả, như một xe ô tô đời mới thay bộ thắng ở bốn bánh ông chỉ làm trong hai giờ, còn xe La Dalat có khi mất gần cả ngày, mà không thể tính tiền cao với chủ nhân của những chiếc xe đó vì giá trị xe không cao nhưng ông vẫn làm vì khách vẫn còn, vẫn đến. Theo thời gian, cái tên Citroen Việt Nam xưa kia đã không còn nhưng những sản phẩm La Dalat vẫn còn được sử dụng và lăn bánh trên khắp nẻo đường Việt Nam trong nhiều năm nữa.