Việc Bộ GTVT đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt theo hướng tăng nặng các hành vi vi phạm như sử dụng rượu bia, ma túy khi tham gia giao thông trên đường được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Cụ thể, đối với hành vi tài xế ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ phạt 26-30 triệu đồng, tước bằng lái xe 10-12 tháng (mức phạt cũ theo quy định hiện hành là 16-18 triệu đồng, tước bằng lái xe 4-6 tháng). Đối với tài xế xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra chất ma túy, nồng độ cồn sẽ bị phạt 5-7 triệu đồng, tước bằng lái xe 10-12 tháng (trong khi đó theo mức phạt hiện hành là 3-4 triệu đồng, tước bằng lái xe 3-5 tháng).
Việc tăng mức phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông, đánh mạnh vào túi tiền của người vi phạm như sử dụng ma túy hay sử dụng rượu bia, nồng độ cồn vượt quá mức cho phép là điều cần làm, nếu không muốn nói nên làm sớm hơn.
Tôi tin rằng một khi mức phạt vi phạm hành chính tăng cao sẽ kéo theo đó là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có các hành vi vi phạm về nồng độ cồn trong máu, hành vi sử dụng ma túy trước khi cầm vô lăng, cầm lái... sẽ được kéo giảm đến mức tối thiểu.
Để việc xử phạt vi phạm giao thông hiệu quả, cần trang bị camera giám sát các CSGT thực thi công vụ. Ảnh minh họa: TUYẾN PHAN
Thêm nữa bằng lái được xem là cần câu cơm của cánh tài xế nên việc quy định hình thức phạt bổ sung bằng cách tước bằng lái xe với thời gian dài hơn sẽ là tiếng chuông cảnh báo để họ cân nhắc việc sử dụng rượu bia, trước khi lái xe tham gia giao thông trên đường.
Tuy nhiên, để kéo giảm hậu quả của các vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến hành vi sử dụng rượu bia, ma túy gây phẫn nộ, bức xúc như thời gian vừa qua thì dư luận đòi hỏi CSGT làm nhiệm vụ xử phạt phải thực sự liêm chính trong khi thực thi công vụ.
Bởi lẽ lâu nay trong thực tế khi xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông vẫn còn tình trạng các CSGT vì nể nang các mối quan hệ quen biết mà thông cảm, cho qua với các hành vi vi phạm. Đặc biệt, có tình trạng CSGT “cưa đôi” tiền phạt của người vi phạm để đôi bên cùng có lợi, không lập biên bản xử lý.
Thiết nghĩ cần có những biện pháp giám sát cũng như những chế tài nghiêm khắc hơn đối với CSGT đang làm nhiệm vụ nếu phát hiện hành vi vi phạm. Một trong những biện pháp cần làm là có thể trang bị camera giám sát hoặc tăng cường đội tuần tra để kiểm soát đột xuất các CSGT thực thi công vụ.
Chính những người tham gia giao thông mà sử dụng ma túy hay sử dụng rượu bia, nồng độ cồn vượt quá mức cho phép luôn tiềm ẩn các hành vi nguy hiểm có thể gây ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc trên đường. Chúng ta cần thấy rằng đối với bất kỳ hành vi nào của người đang thực thi làm nhiệm vụ có hành vi “cưa đôi”, thỏa hiệp với những người vi phạm này đều là hành vi tội ác.