Người dân TP.HCM vui chơi ở phố ông đồ.

Cùng vượt khó, đón Tết 2024 an vui

(PLO)- Đi qua một năm với nhiều khó khăn trên mọi lĩnh vực, người dân TP.HCM nỗ lực đón một cái Tết an vui.

Các hoạt động văn hóa, giải trí trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 diễn ra sôi nổi, nhộn nhịp và đa dạng để phục vụ người dân.

Người dân TP.HCM vui chơi Tết ở phố ông đồ.
Người dân TP.HCM vui chơi Tết ở phố ông đồ. Ảnh: HOÀNG GIANG
P12_don-tet_h2.jpg
Đường hoa Tết Nguyễn Huệ gây ấn tượng ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn mang tên Lưỡng Long triều liên đang dần hoàn thiện. Ảnh: HOÀNG GIANG

Linh vật rồng ấn tượng tại đường hoa Nguyễn Huệ

Bước sang năm thứ 21, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 mang chủ đề Xuân yêu thương, Tết sum vầy.

Đường hoa Nguyễn Huệ được phân thành ba tổ khúc, gồm khúc thoại đầu Nguồn cội quê hương đến quãng cao trào Băng sông vượt biển và khúc hạ màn Vươn mình hội nhập, mang đậm yếu tố truyền thống văn hóa, tín ngưỡng lâu đời của người Việt hòa điệu cùng bản sắc văn hóa vùng đất phương Nam.

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn mang tên Lưỡng Long triều liên (đôi rồng chầu sen).

Đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật rồng, mỗi linh vật có năm đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.

Ngoài việc lập kỷ lục về kích thước, linh vật rồng năm nay còn được tạo hình thân thiện với môi trường khi hơn 90% chất liệu được sử dụng trong ốp tạo hình là mây tre và mành quạt nan.

Du khách đi dọc dưới thân rồng có thể nhìn rõ vật liệu mành và mây đan tạo hình rồng, mộc mạc nhưng không đơn điệu.

Ba linh vật rồng lớn trên đường hoa Nguyễn Huệ là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn. Rồng trên đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 mang những đặc tính được chọn lọc và trau chuốt, với ba màu sắc chủ đạo là vàng đất, xanh lam và cam đỏ bã trầu.

Không chỉ vậy, đường hoa Nguyễn Huệ Tết năm nay mang lại cho khách thưởng ngoạn một “đại tiệc” của thị giác với các đại cảnh vô cùng hoành tráng.

Ở đại cảnh Vườn mai Bác Hồ, làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) tiếp tục đồng hành và góp thêm vẻ đẹp rực rỡ mà dung dị cho khu vực tôn nghiêm này.

Đại cảnh Thuyền rồng hoa xuân đầu phân đoạn 2 chiếm trọn bề ngang đường hoa và bao phủ phần diện tích lên đến 900 m2.

Ba linh vật rồng lớn trên đường hoa Nguyễn Huệ là sự kết hợp các đặc điểm rồng của thời Trần, thời Lý và thời Nguyễn.

Khép lại hành trình khám phá đường hoa Tết 2024 là đại cảnh Nhất đại Thăng Long. Đây cũng là đại cảnh lớn nhất trên đường hoa, với diện tích bao phủ hơn 1.000 m2.

Linh vật của đại cảnh toàn thân lộ trên mặt đất với bốn đoạn uốn thân cách mặt đất 5 m, cấu tạo bởi ống thép, đai thép và lưới thép do 15 trụ chống đỡ toàn thân và hệ thống đèn LED dài hơn 100 m chạy dọc toàn bộ thân rồng.

pho-ong-do.JPG
Đông đảo người dân TP.HCM đến vui chơi tết sớm ở phố ông đồ. Ảnh: HOÀNG GIANG
pho-di-bo.JPG


Ngoài đại cảnh, các trung cảnh cũng sẽ là điểm trải nghiệm thú vị với khách tham quan như mắt kính rồng, đầm sen.

Xen kẽ hai bên đầm sen là trung cảnh Cửa chín rồng gồm chín ghế rồng mang tên chín cửa của sông Cửu Long.

Ngay trước đại cảnh cổng kết đường hoa, trung cảnh Lễ hội mùa xuân và Mây thủy tinh được bố trí nối tiếp nhau.

Đoạn chuyển tiếp giữa phân đoạn 1 và 2 là gian hàng trưng bày, cắm hoa nghệ thuật của lãnh sự quán các nước tại TP.HCM.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024 sử dụng ba gam màu chủ đạo là đỏ, cam, vàng của 99 chủng loại hoa như cẩm chướng, phong lữ, thược dược, màu gà, thu hải đường... Dự kiến hơn 90.000 giỏ hoa các loại sẽ được sử dụng cho đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2024.

Tương tự năm ngoái, đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 sẽ mở cửa phục vụ từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết (từ 19 giờ ngày 7 đến 21 giờ ngày 14-2).

Sân khấu sôi nổi dịp Tết Giáp Thìn

Trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, sân khấu tại TP.HCM nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi có đến 15 đơn vị cùng biểu diễn. Các sân khấu đa số diễn kín lịch từ mùng 1 đến mùng 9 Tết.

Nhà hát kịch IDECAF ngoài những vở trong năm sẽ có hai vở mới là Tấm Cám đại chiến và Vàng ơi là vàng.

Đáng chú ý, năm nay Nhà hát kịch IDECAF cũng trở lại Chuyện thần tiên với vở Cuộc phiêu lưu của cậu bé búp bê.

Không chỉ vậy, Nhà hát kịch IDECAF cũng sáng đèn ở các điểm diễn như Nhà hát Thanh niên (các vở Bảy yêu nhền nhện, Lạc lối ở Bangkok…) và Nhà hát Nụ Cười (đây cũng là điểm diễn mới của sân khấu Xóm kịch)…

Còn sân khấu kịch 5B diễn các vở Thế giới đồ chơi - Câu chuyện cậu bé rồngMặt đối mặt.

Sân khấu Thế Giới Trẻ sẽ phục vụ khán giả năm vở kịch Tết gồm: Đi tìm mỹ nam, Ở đây ai tỉnh, Bóng đàn ông, Dream boy, Tâm ma.

Sân khấu Hoàng Thanh diễn bốn vở kịch tâm lý xã hội, trong đó có hai vở mới là Lồng sắtLạc ở đáy sông.

Sân khấu Thiên Đăng chuẩn bị năm vở kịch Tết, trong đó có vở mới mang tên Nội tình của ngoại tình (đạo diễn Lê Hoàng Giang).

Sân khấu Trương Hùng Minh, ngoài các vở Lẹ lẹ trễ phà, Thiên thần kinh, Truy lùng thái tử, còn có vở Lụa máu mang màu sắc kinh dị.

Sân khấu kịch Hồng Vân diễn các vở Kỳ án 292, Ai kế tiếp, Mẹ và người tình, Bông cánh cò, Ngôi nhà hoang.

Đáng chú ý, năm nay sân khấu kịch Hồng Vân còn kết hợp với NSƯT Kim tử Long diễn Tình sử Thăng Long tại Nhà hát Bến Thành.

Sân khấu truyền thông Khang trình làng với vở kịch Xuân... dữ chưa. Sân khấu kịch Quốc Thảo diễn các vở Vùng đất diệu kỳ, Trò chơi ma quái, Đu trend.

Sân khấu kịch Ban Mai ra mắt cách đây không lâu diễn vở kịch Rago - Hành trình đầu tiên.

Đối với cải lương, vở Bên cầu dệt lụa (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Kim Ngọc lương duyên (sân khấu Chí Linh - Vân Hà và Hoàng Hải Production), Bảo Túy Anh lập hội kỳ bàn (sân khấu Trường Giang), Tứ trạng khai xuân (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long)…•

don-tet.JPG
Đại Nghĩa, Đình Toàn… trong vở "Vàng ơi là vàng" tại Nhà hát kịch IDECAF. Ảnh: VĂN HÀ

Nhộn nhịp phim điện ảnh, truyền hình…


So với Tết Quỹ Mão 2023 thì thị trường phim Tết Giáp Thìn 2024 khá sôi động khi có bốn dự án điện ảnh sẽ ra rạp vào mùng 1 Tết là Mai (đạo diễn Trấn Thành), Gặp lại chị bầu (đạo diễn Nhất Trung), Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường) và Trà (đạo diễn Lê Hoàng). Mỗi tác phẩm đều có một nội dung riêng để thu hút khán giả đến rạp.

Ngoài ra, bộ phim trực tuyến Mất tích đêm 30 (đạo diễn Hàm Trần) được thực hiện dựa trên vụ án gây chấn động dư luận về nữ sinh giao gà bị bắt cóc vào đêm 30 Tết cũng sẽ lên sóng trên nền tảng Galaxy Play.

Bên cạnh phim chiếu rạp dịp Tết thì phim truyền hình cũng sôi động không kém. Theo đó, nhiều dự án phim truyền hình sẽ được chiếu trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 như Điệp khúc sum vầy (đạo diễn Lâm Lê Dũng), Long phụng sum vầy (đạo diễn Đặng Minh Quốc), Ăn Tết ở đâu (đạo diễn Nguyễn Lê Minh) và Xuân à, cưới nha (đạo diễn Nguyễn Đức Nhật Thanh), Duyên tiên tiền định (đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương)…

Còn với phim hoạt hình, các dự án đổ bộ phòng vé dịp Tết khá đa dạng về thể loại như Đấu trường muôn thú (Noah’s Ark), Cún cưng đại náo nhà hát, Gia đình x Điệp viên mã: Trắng (Spy × Family Code: White)…

Đường sách Tết tại TP.HCM lần đầu tiên có “Lì xì sách”

Với chủ đề Xuân yêu thương, Tết sum vầy, Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn 2024 diễn ra trên tuyến đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang, quận 1, TP.HCM).

Đường sách sẽ mở cửa đón khách trong tám ngày, từ 17 giờ ngày 7 đến 14-2 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 Tết).

Năm nay, Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn trở lại với thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn hơn 300 m2 mang biểu tượng thiêng liêng của tinh hoa văn hóa truyền thống và lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, kết hợp cùng tiểu cảnh linh vật hình rồng ấn tượng đánh dấu sự trở lại của con giáp Thìn sau vòng chu kỳ 12 năm.

Điểm nhấn của lễ hội đường sách năm nay chính là chương trình “Lì xì sách” với thông điệp “Mở trang sách mới, mừng năm mới” diễn ra vào ngày 10-2 (tức mùng 1 Tết) với 6.000 cuốn sách được huy động.

Đây là hoạt động lần đầu được tổ chức tại Lễ hội đường sách Tết nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

Lễ hội đường sách sẽ có ba khu vực. Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur là khu vực sân khấu chính diễn ra lễ khai mạc và nhiều nội dung trưng bày, triển lãm đặc sắc.

Khu vực này sẽ là nơi triển lãm giới thiệu các tác phẩm, bài thơ chúc Tết, bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tác phẩm đoạt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Triển lãm báo xuân, triển lãm tư liệu, hình ảnh, tác phẩm kỷ niệm của các ngày lễ lớn, giới thiệu các tác phẩm đặc sắc đoạt giải của chương trình “Người Việt yêu sử Việt”, trưng bày sách hay, sách hiếm, sách có giá trị của các đơn vị xuất bản, phát hành…•

P12_don-tet_h3_tieudiem.jpg

Đọc thêm