Cuộc chiến chống đứt gãy chuỗi cung ứng của công ty Việt

Nhiều doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy vậy cũng có không ít công ty chấp nhận tạm dừng hoạt động vì không thể đáp ứng được tiêu chí “ba tại chỗ”, “hai điểm đến một cung đường”.

Công nhân Công ty 3D Hub Global vẫn sản xuất theo tiêu chuẩn “ba tại chỗ”. Ảnh: PM

Cố gắng xoay xở để duy trì sản xuất

Vì có các đơn hàng xuất khẩu, Công ty 3D Hub Global chuyên về in ấn đang nỗ lực sản xuất theo phương án “ba tại chỗ” đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Tuy vậy, việc sản xuất trở nên khó khăn hơn do phải lo thêm chỗ ăn ở, đồng nghĩa chi phí đội thêm. Trong khi đó, giá bán hàng hóa không thể tăng nhằm giữ chân cũng như chia sẻ khó khăn với khách hàng.

“Trong bối cảnh này, chúng tôi nhìn thấy khó có khả năng lãi trong năm nay. Nhưng cũng có an ủi là công ty vẫn còn điều kiện để hoạt động so với rất nhiều đơn vị khác phải đóng cửa” - bà Lý Thanh Phong, Giám đốc điều hành Công ty 3D Hub Global, nói.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (VN), Khu công nghiệp (KCN) Linh Trung 1, cũng cho biết để thực hiện mục tiêu vừa sản xuất vừa phòng chống dịch, công ty đã tổ chức cho 50% lực lượng lao động làm việc ổn định.

Cụ thể, có 800 công nhân của công ty đăng ký làm việc theo phương án “ba tại chỗ”. Ngoài ra, công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất nên đề xuất cơ quan chức năng cho phép 60 công nhân lưu trú bên ngoài vào làm việc. Toàn bộ số công nhân này được bố trí ở tại một khách sạn năm ngày và xét nghiệm hai lần trước khi vào nhà máy ở lại làm việc. Tương tự, Công ty TNHH Saigon Precision vốn đầu tư Nhật Bản cũng tổ chức sản xuất “ba tại chỗ” cho 1.200 công nhân.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP.HCM, đánh giá đây là các công ty tổ chức tốt “ba tại chỗ”. Trong đó, Công ty TNHH Nissei Electric VN có thuận lợi là có ba khu lưu trú xây dựng từ nhiều năm trước nên đảm bảo tốt chỗ ăn ở cho công nhân. Còn Công ty TNHH Saigon Precision đã thuê lại mặt bằng trống của các công ty ngưng hoạt động để bố trí chỗ ở cho công nhân nhằm duy trì chuỗi sản xuất.

“Đây là những công ty có nhiều sáng tạo, mạnh dạn đưa vào các biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn lao động và phương án chống dịch tối ưu tại các khu chế xuất và Khu công nghệ cao” - ông Bé nói.

Mong đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine

Đại diện nhiều công ty chia sẻ họ đang cố gắng bằng nhiều cách để duy trì sản xuất nhằm giữ đơn hàng, tránh để chuỗi cung ứng đứt gãy. Bởi nếu dừng sản xuất, đối tác và đơn hàng mất sẽ khó tìm lại, thậm chí hậu COVID-19 không còn đơn hàng để sản xuất, người lao động sẽ thất nghiệp. Tuy nhiên, khi khó khăn vượt khỏi khả năng chống chịu thì họ đành phải đóng cửa nhà máy.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty May Sài Gòn 3, thông báo công ty đã đóng cửa, dừng sản xuất. May Sài Gòn 3 là đơn vị chuyên làm hàng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ. Đơn hàng hiện nay của công ty đang rất dồi dào nhưng đành phải dừng hoạt động vì không thể đáp ứng các điều kiện sản xuất trong dịch bệnh.

“Với tính chất thâm dụng lao động, các công ty may mặc rất khó gánh nổi việc lo chỗ ăn ở tại chỗ cho người lao động nhằm duy trì hoạt động thông suốt. Ngay cả khi đã cắt giảm lao động để đáp ứng điều kiện chống dịch thì việc sản xuất cũng không đảm bảo hiệu quả” - ông Hồng nói.

Chẳng hạn, May Sài Gòn 3 có đến 3.000 công nhân, 80 chuyền sản xuất. Nếu giữ lại 1.000 công nhân ăn ở tại chỗ làm việc thì dây chuyền sản xuất cũng rất gập ghềnh vì chỉ hoạt động được 30% công suất. Chưa kể việc ở lại công ty sau giờ làm việc gây áp lực lớn lên tinh thần công nhân, gia tăng chi phí cho công ty.

“Chúng tôi đã đàm phán với các đối tác để điều chỉnh lại thời gian giao hàng. Vì đều là khách hàng làm ăn lâu năm, họ cũng hiểu và đồng cảm. Nhưng nếu thời gian dịch bệnh chưa được kiểm soát kéo dài có khả năng họ sẽ chuyển đơn hàng cho nước khác” - lãnh đạo May Sài Gòn 3 lo lắng.

Hiệp hội May thêu đan TP.HCM thông tin thêm, đến thời điểm này chỉ còn không đầy 10% các công ty trong hội cầm cự, duy trì sản xuất, còn lại đều đã dừng hoạt động. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các DN mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine và ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động, nhất là những người đang tập trung trong các nhà máy sản xuất “ba tại chỗ”. Có như vậy mới hạn chế dịch bệnh lây lan, giúp công nhân yên tâm sản xuất để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

Vững tin vì hàng Việt được đánh giá cao

Các chuyên gia nhận định sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể diễn ra trong ngắn hạn nhưng vẫn có thể tin tưởng sự hồi phục trong tương lai khi kiểm soát được dịch. TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, đánh giá các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài không quá lo về chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng vì họ có nhiều nhà máy đặt tại các KCN VN. Chỗ này bị phong tỏa thì vẫn còn nhiều nhà máy khác hỗ trợ sản xuất bù lại. Nhưng các công ty VN sẽ rất khó.

“Lúc này, các DN Việt một mặt cần đàm phán với khách hàng về tiến độ sản xuất. Mặt khác cần đoàn kết lại để có tiếng nói mạnh hơn trong việc yêu cầu đối tác ngoại chia sẻ rủi ro với mình, chấp nhận hoãn thời gian giao hàng nhằm giảm bớt áp lực cho các nhà sản xuất trong dịch bệnh. Bài học này đã được các quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc và VN thực hiện trong năm 2020” - TS Chi nêu giải pháp.

Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cũng đánh giá dịch bệnh lần thứ tư tại VN chắc chắn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nhà máy, làm gián đoạn sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có thể lạc quan về sự phục hồi sản xuất của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nguyên nhân là hàng hóa VN vẫn đang được các thị trường quốc tế ưa chuộng và không gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

“Điều quan trọng lúc này là phải đảm bảo cho các nhà máy thực hiện tốt các biện pháp an toàn phòng chống dịch. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, giúp các công ty có thêm việc làm để tái tuyển dụng hoặc tuyển mới thêm nhân công. Điển hình là các nhà máy tại Bắc Ninh và Bắc Giang đang thông báo tuyển dụng hàng loạt nhân sự sau một thời gian tạm ngừng hoạt động trong tháng 5 vừa qua” - ông Michael Kokalari ví dụ.•

 

Giữ niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài

Dệt may, da giày là những ngành đóng vai trò rất lớn trong việc đem ngoại tệ và tạo công ăn việc làm. Thế nhưng do các công ty ngành này thường có quy mô lớn, sử dụng từ hàng ngàn đến vài chục ngàn lao động nên không đủ khả năng đáp ứng tiêu chí “ba tại chỗ”. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, lo ngại trước tình hình dịch bệnh hiện nay đã có dấu hiệu các đơn hàng dệt may dịch chuyển sang các quốc gia khác.

Theo báo cáo mới đây của S&P Global Market Intelligence, hãng Nike có nguy cơ hết giày thể thao được sản xuất tại VN. Nguyên nhân, do các nhà cung cấp sản lượng giày lớn cho Nike tại VN đang phải tạm đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh lan truyền. Ví dụ, các nhà máy của Công ty Chang Shin VN và Tập đoàn Pou Chen. Theo Nike, năm 2020, hai công ty này đã cung cấp 50% tổng lượng giày dép cho Nike.

Tuy vậy, một số ông lớn vẫn muốn mở rộng quy mô sản xuất tại VN. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, cho hay tại KCN Kinh Bắc, một công ty công nghệ cao là vệ tinh của Apple vừa khởi công xây dựng nhà máy với tổng giá trị hàng chục triệu USD, quy mô gần 10 ha.

Bên cạnh đó, công ty này còn đề nghị dành cho họ thêm 10 ha đất để mở rộng nhà máy cho Apple trong giai đoạn đầu tư kế tiếp. Không chỉ vậy, hãng LG sau khi triển khai đầu tư 1,5 tỉ USD tại Hải Phòng cũng yêu cầu dành đất để mở rộng đầu tư. “Điều này cho thấy VN vẫn giữ được niềm tin cho DN nước ngoài” - ông Tâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm