Bảo vệ chuỗi cung ứng TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương

Trong tuần qua, tình hình dịch tại TP.HCM tiếp tục diễn biến phức tạp khi mỗi ngày, TP ghi nhận hàng trăm ca nhiễm. Trong khi đó, Đồng Nai và Bình Dương cũng ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm chỉ trong thời gian ngắn.

Đây là ba tỉnh, thành được xem như “tam giác” quan trọng trong chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, hoạt động xuất nhập khẩu vô cùng quan trọng của khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm Công ty Nissei Electric Việt Nam -
một doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: NHẬT BẮC

Vì lẽ đó, khi dịch hoành hành, có nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo “mục tiêu kép”, tức vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế thì các địa phương phải có sự phối hợp nhất quán trong việc đưa ra các phương án và chính sách. Trong đó, cần có trọng tâm ưu tiên với các khu vực sản xuất có quy mô lớn, điển hình là vấn đề vaccine, xét nghiệm, sản xuất tại chỗ và các cơ chế quy định vận chuyển người, hàng hóa.

Vận chuyển hàng hóa, nhân lực bị ảnh hưởng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn. Đây là nơi tập trung hàng trăm DN trong nước và quốc tế đang hoạt động.

Theo bà Loan, hoạt động đi lại, vận chuyển trong chuỗi cung ứng với các tỉnh lân cận đang gặp khó khăn. Mới nhất là quy định từ phía Đồng Nai. Từ ngày 5-7, toàn bộ người đi, về, đến Đồng Nai từ TP.HCM và Bình Dương phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

“Quy định này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn. Vì sát ranh với Đồng Nai, Bình Dương nên lực lượng lao động qua lại rất nhiều. Ngoài ra, các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu cũng sẽ bị hạn chế, ảnh hưởng, có thể gây ra đứt chuỗi cung ứng. Khi đó, hầu như các DN sẽ hoạt động cầm chừng, tức là sản xuất trong giới hạn nguồn dự trữ trong kho của họ. Ngoài ra, có thể họ phải tăng cường nhập khẩu. Nên nhớ rằng có nhiều DN ở Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các DN ở TP.HCM. Nếu DN phải chọn cách nhập khẩu thì việc ưu tiên cho chuỗi cung ứng nội địa sẽ rất khó. Công sức và thời gian chúng ta bỏ ra lâu nay để xây dựng và gia tăng chất lượng chuỗi cung ứng nội địa sẽ bị ảnh hưởng” - bà Loan phân tích.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Long An), cho biết việc kiểm tra y tế tại các chốt kiểm dịch và quy định phòng chống dịch đối với người dân đi lại giữa các địa phương khiến DN gặp khó khăn. Cụ thể, các đối tác cung cấp bao bì ở các tỉnh như Đồng Nai, TP.HCM ngại vận chuyển hàng, thậm chí ngưng giao hàng vì tài xế được yêu cầu xét nghiệm COVID-19, khai báo hàng hóa. Vì thế, DN buộc phải nhận giao hàng trễ hoặc phải tìm kiếm các đơn vị cung cấp khác, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, việc thuê kỹ sư, chuyên gia đến lắp đặt, sửa chữa máy móc, thiết bị tại nhà máy đều không được, buộc phải giảm công suất. Ông Thanh dẫn chứng: Mới đây, DN hư máy bắn màu đối với sản phẩm hạt điều xuất khẩu, gọi điện thoại nhờ kỹ sư ở TP.HCM xuống sửa chữa, bảo trì nhưng không được. Bởi vì theo quy định hiện nay, người dân từ TP.HCM đến Long An phải cách ly 21 ngày, vậy nên DN cũng đành chịu.

 

Tin từ Ban quản lý các khu chế xuất, KCN TP.HCM (HEPZA) cho biết nơi này đang phối hợp với ngành chức năng kiểm tra điều kiện tổ chức nơi ở tập trung tại 38 DN đang hoạt động tại các khu chế xuất, KCN đăng ký thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất. Đại diện HEPZA cho biết đang lên phương án cho các DN vừa cách ly vừa sản xuất. Theo đó, phương án này là thiết lập nơi ở tập trung cho NLĐ ngay trong DN. PHONG ĐIỀN

Nguồn nhân lực bị hao hụt, khó bù đắp

Về vấn đề nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, bà Lê Bích Loan cho biết ở Khu công nghệ cao TP.HCM, hiện một số DN đã phát hiện ra hàng chục ca dương tính với COVID-19. Nhiều trường hợp từ F1 thành F0, từ F2 thành F1 nên phải được đưa đi cách ly, làm giảm nguồn nhân lực sản xuất và DN không thể bù đắp kịp.

Bà Loan lấy ví dụ có DN 4.000 người lao động (NLĐ), làm việc vào ca ngày lẫn ca đêm. Sau khi bị phong tỏa, các công nhân phải làm việc và ở tại chỗ. Kéo theo đó là phát sinh nhiều vấn đề hậu cần: Chi phí ăn, chỗ ở, sinh hoạt, vật dụng cá nhân… Tất cả chi phí DN đều phải lo cho công nhân, trong khi sản lượng, năng suất đều giảm nên DN cũng lâm vào thế khó.

Hiện nay, lực lượng công nhân, NLĐ trong Khu công nghệ cao nói riêng và nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất nói chung đều được chính quyền TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine. Hiện đa số công nhân, NLĐ đã được tiêm mũi thứ nhất để hạn chế việc bị lây nhiễm, đồng thời tăng cường sự an tâm trong sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, một hạn chế còn tồn tại là những người làm thời vụ, trung gian, nhà thầu, hậu cần, thuê ngoài… làm việc với các KCN chưa được ưu tiên tiêm vaccine, xét nghiệm.

“Lực lượng này khá nhiều, họ đi lại thường xuyên, tiếp xúc nhiều với công nhân, NLĐ trong KCN nên nguy cơ lây nhiễm cao. Vì vậy cần rà soát, xem xét ưu tiên cho họ các biện pháp phòng chống dịch như xét nghiệm, tiêm vaccine” - bà Loan nói.•

Bảo vệ chuỗi cung ứng TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương ảnh 2
 

Cần tư duy theo vùng, thống nhất hành động

Ông Huỳnh Thế Du (ảnh), giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng: Cả ba địa phương là TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương nên có sự trao đổi để nhất quán chính sách chống dịch, đảm bảo kinh tế. Ông Du lý giải rằng: Về quản lý hành chính, chúng ta có thể chia ra thành các tỉnh, thành để quản lý. Tuy nhiên, các hoạt động của thị trường, của DN thì không có địa giới hành chính.

Như vậy, chúng ta nhìn TP.HCM và các tỉnh, thành xung quanh như Đồng Nai, Bình Dương là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chỉ ba địa phương này có GDP, thu ngân sách, các chỉ tiêu cơ bản khác… chiếm tỉ phần rất lớn (hơn 1/3 của cả nước). Tính cả vùng còn lớn hơn đáng kể. Nhìn vào vai trò của cả vùng thì TP.HCM là trung tâm cung cấp dịch vụ và các vấn đề liên quan. Đồng Nai, Bình Dương… là các trung tâm sản xuất. Như vậy, các tỉnh, thành này có quan hệ rất chặt chẽ. Như vậy, nếu chúng ta xem xét dòng NLĐ, dòng hàng hóa, dịch vụ… thì chúng ta cần nhìn vào cả vùng, từ đó đưa ra biện pháp chống dịch.

Theo ông Du, theo tình hình dịch từ nay đến cuối năm, khả năng có đủ vaccine tiêm cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng là chưa cao. Vì vậy, các biện pháp y tế công cộng như giãn cách xã hội sẽ vẫn cần thiết nhưng cần có sự điều chỉnh để nâng cao hiệu quả.

“Điều cần thiết là việc chống dịch phải nhìn dưới góc độ cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chứ đừng nhìn theo từng tỉnh, thành riêng lẻ. Các tỉnh, thành của cả vùng này phải cùng nhất quán phương án chống dịch. Ví dụ, nếu có một phường, quận nào ở TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai bị bùng phát dịch thì đều cần có phương án giãn cách, chống dịch cho khu vực đó. Tuy nhiên, điểm quan trọng là các phương án này phải thống nhất thực hiện trong cả vùng gồm ba tỉnh, thành chứ không phải mỗi bên một chính sách, nơi thì cấm, nơi thì buông, gây ảnh hưởng không cần thiết đến hoạt động đi lại, vận chuyển người và hàng hóa của cả vùng” - ông Du phân tích.

Bảo vệ chuỗi cung ứng TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương ảnh 3
 

Ba đề xuất ưu tiên

Trước những khó khăn của các DN, bà Lê Bích Loan (ảnh), Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, đề xuất ba giải pháp quan trọng nên ưu tiên tiến hành.

Thứ nhất, DN sẵn sàng chi trả kinh phí cho các hoạt động xét nghiệm và tiêm vaccine. Dù chính quyền TP.HCM đã ưu tiên tiêm đợt 1 cho NLĐ nhưng vẫn còn nhiều người làm việc với các KCN (nhà thầu phụ, hậu cần, thuê ngoài…) vẫn chưa được tiêm đầy đủ. Ngoài ra, việc xét nghiệm trên diện rộng ở KCN lẫn ở các khu lân cận cần được thúc đẩy nhanh. Làm càng sớm, hiệu quả chống dịch càng cao.

Thứ hai, ngoài các DN sản xuất hàng hóa thiết yếu thì các DN sản xuất hàng hóa xuất khẩu cũng cần được ưu tiên và tạo điều kiện hơn. Theo đó, các cơ quan chức năng nên xem xét lại việc hướng dẫn đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại các KCN ở TP. Ví dụ, DN càng đông nhân công thì càng bị xếp vào nguy cơ cao, trong khi họ lại là lực lượng đóng góp lớn vào chuỗi cung ứng hàng hóa. Hay như tiêu chí khoảng cách giữa các công nhân trong dây chuyền sản xuất; tiêu chí sử dụng máy điều hòa… đều chưa sát với thực tế sản xuất của DN, gây ảnh hưởng đến sản xuất. Ngoài ra, lực lượng vận chuyển hàng hóa (như các tài xế) liên tỉnh cần được hưởng cơ chế thuận lợi hơn để đảm bảo hàng hóa, nguồn nguyên liệu thông suốt.

Thứ ba, hiện một số DN đang thực hiện việc cho NLĐ ăn uống, ngủ nghỉ dã chiến tại nơi sản xuất để phòng ngừa việc đi lại nhiều, gây lây lan dịch. Tuy nhiên, khi mỗi DN mạnh ai nấy làm thì xuất hiện tình trạng nhếch nhác, không đảm bảo an toàn và môi trường sống cho NLĐ. Vì vậy, các nhà quản lý cũng cần nghiên cứu phương án cải thiện việc này, quan trọng là làm nhanh, thần tốc mới hiệu quả.


Bộ Công Thương đề nghị ngành y tế nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn

Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện cho DN. Tuy nhiên, thời điểm này lại vào chính vụ thu hoạch nông sản, lượng hàng cần tiêu thụ rất lớn. Song song đó, yêu cầu phòng chống dịch vẫn rất quan trọng. Vì vậy, việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa, nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Lượng lượng chức năng kiểm tra các phương tiên vận chuyển hàng hóa
qua chốt kiểm dịch dưới cầu Đồng Nai hồi tháng 5-2021. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo đó, việc thu mua vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản ra vào vùng có dịch đi tiêu thụ vì quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương. Cụ thể, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả tài xế khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều DN, tài xế phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.

Bên cạnh đó, do số lượng vaccine có hạn nên phần lớn tài xế và người áp tải hàng chưa được tiêm và gây tâm lý e ngại do mất thời gian làm xét nghiệm, tốn tiền xét nghiệm, tốn phí xét nghiệm, ra vào vùng dịch phải cách ly 21 ngày… họ không muốn tham gia vận chuyển hàng hóa. Từ đó gây thiếu phương tiện và tài xế cục bộ.

Song song đó, hiện nay chưa có hướng dẫn về việc sử dụng hộ chiếu vaccine, nếu tiêm vaccine rồi thì có phải xét nghiệm nữa hay không. Nông sản dù có đầy đủ giấy tờ về phòng chống dịch nhưng do phải đi qua nhiều chốt kiểm soát, mất nhiều thời gian kiểm soát nên làm giảm chất lượng nông sản… Thậm chí có nhiều chốt vận dụng cực đoan do hiểu sai văn bản hướng dẫn đã dẫn đến hiện tượng “ngăn sông, cấm chợ”.

Để việc lưu thông, tiêu thụ nông sản kịp thời, đặc biệt trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đề nghị ngành y tế nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về các thủ tục xét nghiệm; tạo điều kiện cho đội ngũ tài xế và người áp tải hàng được tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. Ngành giao thông hướng dẫn để thực hiện việc phương tiện vận chuyển hàng hóa khi có đầy đủ giấy xác nhận phòng chống dịch theo quy định được ưu tiên “luồng xanh” để lưu thông trong thời gian ngắn nhất. AN HIỀN - TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm