Cuộc đàm phán bí mật hàng tháng trời về thoả thuận tàu ngầm Mỹ-Úc-Anh

Các quan chức Mỹ và Úc đã đàm phán rất bí mật trong nhiều tháng về kế hoạch chia sẻ công nghệ về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Sáng kiến này đã được ấp ủ hơn một năm trước và được đẩy nhanh đàm phán sau khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ hồi tháng 1, đài CNN dẫn lời một số quan chức ngày 19-9.

Theo các quan chức biết về chuyện này, các cuộc thảo luận được đảm bảo cực kỳ bí mật, ngay cả trong chính phủ của họ, do tính chất nhạy cảm về công nghệ, viễn cảnh khiến Trung Quốc tức giận và nhận thức rằng bất kỳ sự rò rỉ nào ra ngoài đều có thể làm hỏng toàn bộ kế hoạch.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho biết quá trình này "được thực hiện với sự quyết tâm cao độ".

Cuộc đàm phán bí mật hàng tháng trời về thoả thuận tàu ngầm Mỹ-Úc-Anh. Ảnh: ANDREW PARSONS/UPISHUTTERSTOCK

Các cuộc đàm phán đã được tiến hành ở cấp nhân viên trong suốt mùa xuân trước khi vấn đề được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson bên lề Hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) hồi tháng 6.

Không có thông tin công khai về thỏa thuận tàu ngầm vào thời điểm đó, mặc dù mô tả của Nhà Trắng về các cuộc đàm phán cho thấy các nhà lãnh đạo "nhất trí rằng bối cảnh chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thay đổi và có một lý do chính đáng để làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược giữa ba chính phủ".

Theo CNN, ông Biden cùng ngày cũng đã gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và hai nhà lãnh đạo có vẻ rất thân thiết: máy ảnh bắt gặp họ vòng tay qua vai nhau khi đi bộ từ bãi biển đến địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh. 

Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ và Pháp, thỏa thuận về tàu ngầm Mỹ-Úc-Anh – vốn sẽ ảnh hưởng đến thỏa thuận giữa Pháp và Úc về việc cung cấp tàu ngầm thông thường - chưa bao giờ được đưa ra.

Thỏa thuận này cũng không xuất hiện trong các cuộc họp sau đó giữa các quan chức hàng đầu của Mỹ và Pháp, trong khi đó thỏa thuận tàu ngầm Pháp-Úc được bàn nhiều trong dư luận Pháp và được đánh giá là dấu hiệu cho thấy Paris tập trung vào an ninh Thái Bình Dương.

Phải đến tuần này, Mỹ mới chính thức nói với Pháp về thỏa thuận đã được hoàn tất vào tháng trước.

Trao đổi với CNN trong tuần này, Đại sứ Pháp tại Mỹ Philippe Étienne cho biết chính phủ Pháp đã không biết về thỏa thuận cho đến sáng ngày nó được công bố.

“Đó là một điều bất ngờ” – ông Étienne bày tỏ.

"Không có gì ngạc nhiên khi có một cuộc thảo luận. Chúng tôi đã sẵn sàng thảo luận thêm. Điều bất ngờ nữa là tất cả các đồng minh, những đồng minh rất thân thiết, đều liên quan rất nhiều" – ông Étienne nói thêm.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho biết họ đã thông báo cho Pháp trước khi thông báo được công bố chính thức vào chiều 15-9 tại Nhà Trắng. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết đã có các cuộc trò chuyện với phía Pháp 24-48 giờ trước khi thỏa thuận này được công khai.

Theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề, Nhà Trắng hôm 15-9 đã gọi điện cho ông Étienne vài giờ trước khi ông Biden đưa ra thông báo từ Phòng phía Đông ở Nhà Trắng cùng với ông Morrison và ông Johnson.

Một quan chức Mỹ khác cho biết các quan chức Mỹ có suy nghĩ rằng Úc sẽ thông báo cho Pháp về sự thay đổi trong kế hoạch, đồng thời nói rằng phản ứng quá khích của Pháp đã khiến một số quan chức Nhà Trắng bất ngờ.

Vị quan chức này cho biết có niềm tin chung, ở thời điểm hiện tại, rằng diễn biến này sẽ không làm tổn hại vĩnh viễn mối quan hệ với Pháp, song thừa nhận rằng vấn đề này sẽ vẫn tồn tại trong những ngày đầu. 

Quan chức này thừa nhận rằng quan hệ giữa ông Biden và ông Macron - người đang chuẩn bị tái tranh cử - có thể sẽ mất thời gian để sửa chữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới