Theo các chuyên gia, ngành bán lẻ Việt Nam đang có sự giao thoa giữa kênh cửa hàng vật lý và bán hàng trực tuyến (online).
Dẫu vậy, qua phân tích thị trường, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Việt Nam nhìn nhận, mặc dù kinh doanh online đang phát triển mạnh mẽ nhưng hiện nay, các nhà bán lẻ đều khẳng định phương thức này chỉ chiếm phần nhỏ trong kết quả phân phối sản phẩm của họ.
“Các nền tảng phân phối online đang được sử dụng như một dịch vụ cộng thêm để tích lũy điểm thưởng, tạo ra sự trung thành của khách hàng, chạy các chiến dịch quảng cáo để làm tăng hiện diện thương hiệu trong làn sóng thương mại điện tử (TMĐT) và các ngày giảm giá online chung. Từ đó kéo khách hàng đến các cửa hàng để trải nghiệm sản phẩm.
Nhiều thương hiệu thời trang cho biết tỉ lệ doanh số đến từ kênh trực tuyến chỉ chiếm 3-5%” - bà Quyền nói.
Bà Nhất Phương, Giám đốc điều hành của Kantar cũng nhấn mạnh, ngày nay người mua sắm đang có quá nhiều lựa chọn từ thương hiệu đến sản phẩm. Chính vì thế, để thúc đẩy doanh số bán hàng và đạt được tỉ lệ chuyển đổi cao, doanh nghiệp phải chinh phục được người mua hàng trong phân khúc bán lẻ trực tiếp và trực tuyến.
Dẫu vậy, TMĐT nên được xem là một kênh bổ sung chứ không phải là kênh thay thế cho các kênh bán lẻ truyền thống.
Một đơn vị mỹ phẩm tham gia triễn lãm và đang giới thiệu cho khách hàng trải nghiệm nền tảng online. Ảnh: Trần Lâm |
Một thống kê gần đây của Statista cũng cho thấy, tỉ lệ phân phối của các nhà bán lẻ giữa kênh bán lẻ vật lý và trực tuyến tại Việt Nam đang có sự chênh lệch rõ rệt, khi kênh bán lẻ vật lý vẫn chiếm hơn 90% trong phương thức kinh doanh.
Dẫu vậy, xét về sự tăng trưởng hàng năm, từ 2017- 2023, bán lẻ vật lý lại có chiều hướng giảm sút từ 97,3% xuống còn 93%. Trong khi đó, kinh doanh trực tuyến lại có sự tăng trưởng rõ rệt với tỉ lệ từ 2,7% đến 7,1%.
Trong giai đoạn từ 2023- 2027, Statista dự đoán bán lẻ vật lý tiếp tục chiếm đa số và vẫn giảm dù mức giảm rút ngắn từ 93% xuống còn 91,3%; bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục tăng nhưng mức tăng lại thu hẹp từ 7,1% - 8,7%.
Biểu đồ kênh phân phối bán lẻ tại Việt Nam năm 2023. Nguồn: Statista |
Dù vậy, theo Savill Việt Nam, các nhà bán lẻ và chủ sở hữu tài sản vẫn nên tăng cường tích hợp trải nghiệm trực tuyến vào chiến lược của mình. Khả năng đa kênh và bản địa hóa có thể là điểm khác biệt chính và là động lực chính để thúc đẩy cả doanh số bán hàng trực tuyến và truyền thống.
Nhất là khi TMĐT đang được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế số với mức tăng trưởng 20%/năm và tình hình bán lẻ cuối năm được dự đoán sẽ mang nhiều kỳ vọng.
"Theo ghi nhận của chúng tôi, các nhà bán lẻ cũng như chủ đầu tư đều đang nỗ lực trong các hoạt động chuẩn bị đón mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Cùng với đó, hàng loạt thương hiệu mới đang tức tốc chuẩn bị những bước cuối cùng để khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam với các nhóm ngành chính như thời trang, đồ thể thao, nội thất, giày dép, túi xách và phụ kiện.
Ngoài ra, một số thương hiệu F&B nước ngoài cũng đang trong quá trình tìm kiếm mặt bằng đắc địa tại cả Hà Nội và TP.HCM để mở cửa” - bà Quyên nói và kỳ vọng dù bối cảnh kinh tế nói chung có phần ảm đạm nhưng không tác động nhiều đến tình hình hoạt động của thị trường.