Cứu bé gái ói ra máu vì hóc cọng kẽm

Ngày 24/4 bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết tại đây vừa can thiệp kịp thời cho một trường hợp bị hóc dị vật, ói ra máu, bệnh nhi là bé B.A. (4 tuổi, ngụ tại Tiền Giang). Theo khai thác bệnh sử gia đình cung cấp đến bác sĩ, trước đó cháu được mẹ cho ăn món cháo gà tại nhà. Sau khi ăn bé bị ho sặc sụa, khó thở nên được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương kiểm tra.

Tuy nhiên, khi đến bệnh viện triệu chứng ho, khó thở của bé giảm hẳn. Bác sĩ kiểm tra không ghi nhận dấu hiệu bất thường nên cho bệnh nhi xuất viện. Một ngày sau, trong lúc đang học ở nhà trẻ, bé bất ngờ ho dữ dội và ói ra dịch có lẫn máu. Tá hỏa, giáo viên đã gọi điện báo cho gia đình, ngay sau đó bé được chuyển thẳng lên bệnh viện Nhi Đồng 1.
Kết quả thăm khám lâm sàng không ghi nhận dấu hiệu bất thường, bác sĩ quyết định chụp X-quang cổ nghiêng để kiểm tra thì phát hiện có dị vật ở họng của bé. Ngay lập tức cháu được các bác sĩ khoa Tai – Mũi - Họng nội soi và gắp thành công một cọng kẽm (nghi là kẽm từ búi rửa chén) đang găm vào amidan bên trái của bệnh nhi. Sau khi dị vật được gắp ra ngoài, sức khỏe của bé nhanh chóng bình phục.
 
Việc hóc dị vật là cọng kẽm của bé B.A không phải là duy nhất. Tại bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ cũng đã xử lý 1 ca tương tự, cọng kẽm cũng mắc vào đúng lưỡi gà ở cuống họng của bé T.H (8 tuổi ở Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội). Trước đó, bé T.H có ăn bánh gato của 1 tiệm bánh lớn mua ngay gần nhà. Sau ăn, bé ho khạc và dùng tay móc họng liên tục, có máu kèm theo. Sau khi uống nước súc miệng, bé nói hết vướng nên gia đình cũng không để ý nữa và dọn dẹp đi ngủ. Đến nửa đêm thì bé lại tiếp tục ho khạc và liên tục dùng tay móc miệng, kêu vướng khó chịu. Gia đình đã đưa bé T.H tớ viện Nhi TƯ và sau đó chuyển sang bệnh viện Tai mũi họng TƯ. Tại đây, các bác sĩ đã gắp ra 1 cọng kẽm nhỏ.

Hóc dị vật là tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ em. Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo ở trẻ nhỏ các bé chưa có thói quen và phản xạ lừa xương hoặc dị vật khi ăn, phụ huynh cần loại bỏ các mẫu xương nhỏ hoặc những vật thể lạ (nếu có) trong quá trình chế biến thức ăn cho trẻ và hướng dẫn trẻ nhai kỹ, không vừa ăn vừa chơi đùa.

Theo Li Uyên - Nhân Hà (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm