Ngày 26-4, phiên xử cố ý làm trái gây thiệt hại tại Công ty Mía đường Tây Ninh tiếp tục phần xét hỏi.
Luật sư (LS) hỏi bị cáo Trần Cảnh Lạc (nguyên tổng giám đốc Công ty Mía đường Tây Ninh) về hai công ty đối tác Trung Quốc có tồn tại thật hay không. Bị cáo Lạc nói quá trình giao dịch 59 hợp đồng, thu lãi về công ty 24 tỉ đồng, đóng thuế cho Nhà nước 50 tỉ đồng… Các thanh toán qua ngân hàng và thể hiện phía đối tác đều là thật. Bị cáo Lạc nói: “Việc kinh doanh thì có lãi, có lỗ là bình thường trong khi chúng tôi đều có lãi...”.
Bị cáo Trần Cảnh Lạc, nguyên tổng giám đốc Công ty Mía đường Tây Ninh (giữa) tại tòa. Ảnh: HY
LS hỏi tiếp Công ty Mía đường Tây Ninh có ban kiểm soát không, có được thanh tra, kiểm tra thường xuyên và kiểm toán hay không. Bị cáo Lạc khẳng định có. LS hỏi tiếp các hợp đồng công ty ký kết với hai đối tác Trung Quốc có sai không, bị cáo đáp đều đúng cả. Trả lời câu hỏi của LS về số nợ mà phía đối tác Trung Quốc chưa trả thì công ty đã làm gì để thu hồi nợ, bị cáo Lạc nói đã kiện ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế và đã có phán quyết phía đối tác phải trả tiền nợ. Nhưng vì bị cáo bị khởi tố, tạm giam nên không có ai làm thủ tục thi hành phán quyết nên chưa thu được.
Chủ tọa hỏi bị cáo Nguyễn Thị Phúc (nguyên kế toán trưởng) về các hợp đồng công ty ký với hai đối tác Trung Quốc, bị cáo này khẳng định hợp đồng là không trái pháp luật. Phúc nói: “Bị cáo không vi phạm pháp luật, không làm gì sai với các quy định pháp luật, bị cáo bị truy tố là oan”. Khi nhắc đến các tài sản kê biên, Phúc đã bật khóc cho rằng đây là tài sản do chồng tạo dựng cả đời, còn bị cáo chỉ là người làm công ăn lương cho công ty nhưng không làm gì sai trái vậy mà toàn bộ tài sản đều bị kê biên hết, như vậy là oan ức.
LS đặt nhiều câu hỏi với đại diện UBND tỉnh Tây Ninh và giám định viên đã đưa ra kết quả giám định thiệt hại với vụ án. UBND tỉnh Tây Ninh cho biết mình là chủ sở hữu Công ty Mía đường Tây Ninh và có kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp hằng năm. Sở Tài chính tỉnh có thẩm tra hoạt động của doanh nghiệp này.
Tòa hỏi UBND tỉnh có biết về các hợp đồng mà cáo trạng kết luận là trái pháp luật không, đại diện UBND tỉnh không trả lời. Tòa hỏi tiếp: “Với tư cách chủ sở hữu, UBND tỉnh có cho rằng công ty ký hợp đồng với các công ty Trung Quốc là sai không?”. Đại diện UBND tỉnh đáp: “Sai hay đúng do cơ quan pháp luật quyết định...”.
LS hỏi: “Từ năm 2012 đến khi cổ phần hóa, Công ty Mía đường Tây Ninh có bị lỗ không?”. Đại diện UBND tỉnh trả lời: “Tôi không nắm được”. Vậy sau khi tiếp nhận khoản nợ, UBND tỉnh có làm thủ tục gì để thi hành phán quyết trọng tài nhằm thu nợ không? Vị đại diện không trả lời được câu hỏi này.
Theo LS bào chữa cho các bị cáo, sau khi cổ phần hóa, khoản nợ 55 tỉ đồng được chuyển giao cho UBND tỉnh Tây Ninh nhưng cơ quan này lại đòi các bị cáo bồi thường 69,7 tỉ đồng. Lý giải về việc này, đại diện UBND tỉnh cho biết là căn cứ vào kết quả giám định.
Liên quan đến kết quả giám định, giám định viên cho biết căn cứ để đưa ra thiệt hại là kê khai của Công ty Mía đường Tây Ninh. LS đặt vấn đề: “Trong kết luận giám định có nêu để có số thiệt hại chính xác thì phải yêu cầu ngân hàng giám định, có nghĩa là số liệu trong kết luận giám định không chính xác?”. Giám định viên cho rằng: “Muốn có số thiệt hại chính xác, phải yêu cầu ngân hàng giám định”…
Hôm nay (27-4), tòa vẫn đang tiếp tục phần xét hỏi.