Cựu phó Cục Thuế TP.HCM hầu tòa vụ Thủ Đức House

(PLO)- Cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh bị cáo buộc ký 15 quyết định hoàn thuế cho Công ty Thủ Đức House, gây thất thoát 331 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-6, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm 67 bị cáo về 10 tội danh trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), Cục Thuế TP.HCM, Công ty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam và các đơn vị có liên quan.

Mua bán khống để chuyển 1.700 tỉ đồng qua biên giới

67 bị cáo được tòa án đưa ra xét xử được phân thành nhiều nhóm bị cáo và các nhóm tội danh khác nhau.

Trong đó, VKSND Tối cao cáo buộc Trịnh Tiến Dũng với vai trò chủ mưu. Từ năm 2016 đến 2020, Dũng chỉ đạo các bị cáo khác thành lập, sử dụng nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài nước (Mỹ, Hong Kong, Malaysia...) để thực hiện hành vi phạm tội.

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM (đeo kính). Ảnh: HỮU ĐĂNG

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM (đeo kính).
Ảnh: HỮU ĐĂNG

Để có thể chuyển một số lượng lớn tiền qua biên giới, Dũng chỉ đạo tạo lập hồ sơ, tài liệu, sử dụng 18 công ty trong nước ký 105 hợp đồng mua hàng của bảy công ty tại nước ngoài và sử dụng 14 công ty trong nước ký hợp đồng bán hàng cho sáu công ty tại nước ngoài. Các hợp đồng mua bán này đều được nâng khống giá trị để từ đó hợp thức hóa dòng tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam.

Tổng số tiền vận chuyển trái phép qua biên giới là 75,58 triệu USD, tương đương khoảng 1.760 tỉ đồng. Trong đó, vận chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài là 51,67 triệu USD và vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam là 23,9 triệu USD.

Để tạo vỏ bọc, qua mặt cơ quan chức năng Dũng chỉ đạo việc làm giả linh kiện điện tử (ram, chip…) có dung lượng, tốc độ cao từ các loại linh kiện dung lượng tốc độ thấp hoặc không có nguồn gốc xuất xứ, làm giả đĩa CD hoặc DVD chứa nhiều phần mềm giả. Sau đó vệ sinh, in khắc thông tin, dán nhãn và đóng gói để xuất khẩu quay vòng. Từ đó, cơ quan chức năng đã khởi tố, truy tố thêm tội sản xuất hàng giả đối với nhóm hành vi này.

Ngoài ra, các bị cáo do Dũng chỉ đạo, điều hành còn sử dụng các công ty “ma” thực hiện mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa, lập hồ sơ để Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Nhà Thủ Đức và Công ty Hoàng Nam Anh mua linh kiện để xuất khẩu rồi làm hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), chiếm đoạt hơn 365 tỉ đồng. Đây cũng là nhóm hành vi phạm tội kéo theo 15 cán bộ tại Cục Thuế TP.HCM vướng lao lý.

Ký 15 quyết định hoàn thuế, gây thất thoát 331 tỉ đồng

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, bị truy tố về tội vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí khi đã ký 15 quyết định hoàn thuế GTGT cho Công ty Thủ Đức House, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền 331 tỉ đồng trên tổng số tiền hoàn 365 tỉ đồng.

Ngoài các cán bộ thuộc Cục Thuế TP.HCM, ba cán bộ thuế thuộc Chi cục Thuế các quận 1, 3, 5 bị cáo buộc nhận hối lộ để tạo điều kiện cho các công ty “ma” của Dũng không bị kiểm tra thuế hoặc báo trước nếu có kiểm tra.

Cụ thể, Công ty Thủ Đức House là cơ sở kinh doanh thương mại có hoạt động xuất khẩu đất liền và có sự thay đổi bất thường về doanh thu tính thuế; có số thuế hoàn tăng đột biến (trên 20% so với cùng kỳ năm trước)… Đây là các dấu hiệu rủi ro cao phải thực hiện kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế theo quy định.

Tuy nhiên, bị cáo Hạnh và các cán bộ, lãnh đạo phòng/ban tại Cục Thuế TP.HCM được phân công giải quyết đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Từ đó, không thực hiện đầy đủ công tác xác minh, thẩm định các điều kiện hoàn thuế của doanh nghiệp, không tiến hành kiểm tra, thanh tra kịp thời nhằm phát hiện sai phạm, mà vẫn tiếp tục ký đề xuất, ký duyệt, ký trình và ra quyết định hoàn thuế GTGT trái quy định. Trong quá trình điều tra, bị cáo Hạnh đã thừa nhận thiếu sót, không thực hiện đúng các quy định, quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ.

Ngoài bị cáo Hạnh, tại Cục Thuế TP.HCM có tổng cộng 14 bị cáo khác là các cán bộ thuế công tác tại các phòng/ban nghiệp vụ cũng bị truy tố.

Ngoài các cán bộ thuộc Cục Thuế TP.HCM, VKSND Tối cao cũng truy tố ba cán bộ thuế thuộc Chi cục Thuế các quận 1, 3, 5 về tội nhận hối lộ khi đã nhận tiền để tạo điều kiện cho các công ty “ma” của Dũng không bị kiểm tra thuế hoặc báo trước nếu có kiểm tra.

Cụ thể, Đào Thị Nga (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1) nhận 776 triệu đồng; Nguyễn Phương Nam (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3) nhận 6,1 tỉ đồng và Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5) nhận 497 triệu đồng từ Lưu Thị Ngát (giám đốc Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Khánh Hưng).

Bảy công chức hải quan vướng lao lý

Bảy bị cáo là cựu cán bộ hải quan công tác tại các chi cục Hải quan tại TP.HCM gồm: Nguyễn Lê Hùng, Phạm Duy Bình, Hồ Hoàng Hải, Hoàng Trung Kiên, Nguyễn Duy Linh, Nguyễn Hữu Trên và Trần Văn Thành bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo đó, bảy bị cáo này được phân công kiểm tra hàng hóa đối với bốn lô hàng được phân luồng đỏ tại cảng Sài Gòn khu vực I nhưng các bị cáo này đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao theo quy định. Từ đó dẫn đến không phát hiện hành vi buôn lậu của Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến toàn bộ số hàng hóa trị giá 8,2 tỉ đồng nhập khẩu trái phép không được phát hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm