Bệnh nhi nhập viện ngày 10-9 trong tình trạng vô cùng nguy kịch, bị giãn đồng tử, chân tay lạnh, mạch và huyết áp không đo được, lúc tỉnh lúc mê, đau bụng dữ dội, nôn nhiều, bụng chướng.
TS Phạm Duy Hiền, phó trưởng khoa Ngoại, BV Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết: Các trường hợp vỡ tạng đặc nói chung và vỡ lá lách nói riêng được tiếp nhận tại Viện những năm gần đây đều được điều trị bảo tồn (không cần phẫu thuật). Tuy nhiên trường hợp của cháu T. khá đặc biệt.
Sau khi siêu âm và chụp CT scan, các BS xác định cháu bị vỡ cuống lách, gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng. Bệnh nhi được hồi sức, truyền máu (700ml), truyền dịch (1000ml), tuy nhiên huyết động vẫn không ổn định. Bệnh nhi đã được mổ cấp cứu ngay để bảo toàn tính mạng.
Trong quá trình phẫu thuật, các BS chỉ cắt nửa cực trên của lách và vẫn giữ lại nửa cực dưới. “Đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có tay nghề cao, nhất là trong trong điều kiện lách vỡ và máu tụ xung quanh” – BS Hiền nói.
Theo BS Hiền, hiện tại, cháu bé đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn được tiếp tục theo dõi.
BS Hiền khuyến cáo, các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo cần chú ý để mắt đến trẻ, dù là lứa tuổi mầm non, mẫu giáo hay các em học sinh lớn hơn. Cần làm rào chắn, xây lan can với độ cao thích hợp để đảm bảo an toàn cho các cháu. Trong trường hợp trẻ bị té ngã, xuất hiện chấn thương vùng bụng, nôn nhiều, hôn mê hay trẻ tỉnh nhưng sau đó xuất hiện hôn mê, đều cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để siêu âm, kiểm tra, tránh các hậu quả đáng tiếc.