Đã có 2,74 triệu tỉ đồng đổ vào bất động sản

(PLO)- Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022.

Sáng ngày 13-11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công điện 933 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường bất động sản.

Tín dụng bất động sản tiếp tục tăng

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN cho biết: Đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm tỉ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Trong đó, tín dụng bất động sản tập trung vào mục đích tiêu dùng, tự sử dụng chiếm 64% và kinh doanh bất động sản chiếm tỉ trọng 36%.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, tín dụng kinh doanh bất động sản lại có sự tăng trưởng rất cao (tăng tới 21,86%), cao hơn tỉ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước".

Còn tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Đến cuối tháng 9, dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM đạt khoảng 925.000 tỉ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2022.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ chung của nền kinh tế song quy mô dư nợ tín dụng bất động sản không thay đổi nhiều, vẫn chiếm tỉ trọng 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Cụ thể, dư nợ tín dụng bất động sản cho mục đích kinh doanh đạt 277.000 tỉ đồng, tăng 7,5% so với cuối năm.

Trong đó, dư nợ cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất tăng 10,5%, cho vay bất động sản lĩnh vực văn phòng, cao ốc tăng 7%, cho vay kinh doanh bất động sản khác tăng trên 20%.

Đối với dư nợ tín dụng bất động sản cho mục đích tiêu dùng, tự sử dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 648.000 tỉ đồng, chiếm 70% so với tổng dư nợ bất động sản, giảm 0,3% so với cuối năm ngoái.

Nhu cầu tín dụng giảm do khó khăn từ nền kinh tế và thu nhập của khách hàng tăng thấp được coi là nguyên nhân chính tác động đến tín dụng bất động sản cho mục đích tiêu dùng, tự sử dụng.

Nhà đầu tư chưa mạnh dạn tham gia vào thị trường bất động sản.

Thị trường cần giải pháp tổng thể

Tính trong tổng thế, tín dụng bất động sản còn tăng trưởng thấp, nguyên nhân chủ yếu từ nhu cầu tín dụng giảm, nhất là nhu cầu mua nhà ở của khách hàng giảm.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng các giải pháp hiện nay ngoài việc tiếp tục tổ chức và thực hiện tốt chính sách tiền tệ tín dụng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cần tập trung kích cầu tiêu dùng và đầu tư qua đó kích thích tăng trưởng.

Cùng đó là các giải pháp đồng bộ về pháp lý, xây dựng; tài chính; cải cách hành chính… để hỗ trợ thị trường tăng trưởng và phát triển trong thời gian tới.

Đánh giá về khó khăn mà thị trường bất động sản đang gặp phải, bà Hà Thu Giang nhận định: Hiện nay, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều tồn tại, vướng mắc đã kéo dài như vướng mắc về hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng. Sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế.

Ngoài ra, nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh và năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế, phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà…

Bên cạnh đó, việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, vẫn còn thấp.

Nhận diện nguyên nhân khiến việc giải ngân gói này còn chậm, bà Giang cho rằng khó khăn lớn nhất là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia.

Ngoài ra, theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, trong số 54 dự án được công bố có 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án (55,5%) là chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án (20,4%) là chưa đủ điều kiện cho vay. Có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án (15%) đang được các ngân hàng thương mại thẩm định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới