Tuy nhiên, trên thực tế, người hiến tạng vẫn phải trả phí mổ khoảng 20 triệu đồng và không được hưởng gì từ BHYT.
Muốn cho một quả thận, phải trả thêm 20 triệu đồng
Bà N.T.H.L (61 tuổi), ngụ tại huyện Hóc Môn, TP.HCM cho biết, năm 2009, bà tình nguyện cho đứa cháu quả thận bên trái. Sau khi thực hiện phẫu thuật hiến thận, sức khoẻ hồi phục, bà phải đóng viện phí gần 20 triệu đồng. Bà cũng không được hưởng thêm gì, kể cả tiền thuốc men và điều dưỡng phục hồi sức khoẻ. Bà nói: “Không những thế, 2 năm nay, mỗi lần tôi đi tái khám (khỏang 1-2 lần/năm) quả thận còn lại vẫn phải trả 2 triệu đồng, mặc dù có BHYT".
Nghịch lý hơn, ngay cả người đã chết não (tử vong do tai nạn giao thông), muốn được hiến tặng phủ tạng thì gia đình của họ cũng phải chịu khoản chi phí đó.
Nhiều gia đình của người được nhận nội tạng cảm thấy áy náy vì bất hợp lý này đã tình nguyện trả thay. Điều này vô hình trung trở thành một cuộc mua bán nội tạng. Nói như PGS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh, trưởng khoa Niệu thận, bệnh viện Chợ Rẫy thì việc trả tiền này làm cho hành động "hiến" mất đi ý nghĩa thiêng liêng của nó. Bởi nếu người nhận phải trả tiền thì trả bao nhiêu cho đủ...; trong khi người hiến thận có bảo hiểm y tế mà không được hưởng quyền lợi gì. Điều này đi ngược hoàn toàn với tinh thần của Luật hiến ghép tạng. Đây là một trong những nguyên nhân gây trì trệ trong hiệu quả của việc ghép tạng.
Chưa có văn bản dưới luật
Trả lời câu hỏi vì sao người hiến tạng không được hưởng bảo hiểm y tế, bà Lưu Thị Thanh Huyền, trưởng phòng Giám định bảo hiểm y tế thuộc cơ quan Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cho rằng, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có văn bản dưới luật. Mặc dù sau khi hiến tạng, người hiến được cấp BHYT miễn phí nhưng ai sẽ bỏ tiền ra chi trả cho chi phí mổ, trích từ nguồn ngân sách nào, sau mổ cần làm những xét nghiệm gì?... Tất cả đều chưa có quy định. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể việc này.
Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thảo, phó tổng giám đốc cho hay, do số người hiến tạng còn thấp nên chưa được thống kê. Ngành y tế cũng như các bệnh viện phải lập danh sách để bảo hiểm xã hội căn cứ vào đó thống kê số lượng. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội sẽ có đánh giá chung về đối tượng này.
Ông Thảo cũng khẳng định: "Đối với các ca hiến mô, tạng, chúng tôi đều thanh toán trực tiếp với bệnh viện tất cả các khâu của ca ghép. Người hiến được đảm bảo được chăm sóc miền phí cho đến khi ra viện. Sau ca hiến mô, tạng người hiến được thanh toán tất cả các chế độ khi đi khám, điều trị bệnh".
Bà Tống Thị Song Hương, vụ trưởng vụ Bảo hiểm y tế (bộ Y tế) khẳng định, luật Bảo hiểm y tế đã quy định rất rõ về quyền lợi cũng như tôn vinh những người hiến mô, bộ phận cơ thể người hoặc hiến xác sau khi chết. Những người hiến mô, tạng đều có giấy chứng nhận và chỉ cần có giấy chứng nhận này sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Tuy nhiên, bà Hương cũng thừa nhận, hiện chưa có quy định riêng với tiêu chí cụ thể cho những người hiến mô, tạng. Thời gian tới các cơ quan liên quan chắc chắn sẽ phải tính tới các quy định riêng để đảm bảo quyền lợi cho họ. Số liệu người tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng tính đến hết năm 2010 ở cột hiến mô, tạng vẫn để trống. Đến lúc này Bảo hiểm y tế mới tính tới việc làm thế nào để những đối tượng này có thẻ bảo hiểm y tế.
Số người ghép tạng ngày càng tăng Từ năm 1992 đến nay, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã ghép thận cho 222 người, trong đó có 223 người cho (do có người ghép 2 lần). Ngoài ra, các bệnh viện Việt - Đức Hà Nội, bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, bệnh viện quận đội 108, bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng đã tiến hành ghép tạng... Nhu cầu ghép tạng của người bệnh ngày càng tăng. Theo thống kê, tại TP.HCM, khoảng 5.000 bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo hàng năm, chưa kể đến con số bệnh nhân cần ghép tim, gan. Số bệnh nhân ở các trung tâm lọc máu cũng luôn trong tình trạng quá tải (riêng tại TP.HCM có khoảng 3.000 người phải lọc máu). |
Theo Hoàng Nhung - Lệ Hà (SGTT.VN)