Đã là quỹ tự nguyện thì đừng ép

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh “Quỹ tự nguyện nhưng lại định mức thu” (tiếng là vận động dân nộp quỹ tự nguyện nhưng người dân luôn được thông báo đóng góp với số tiền cụ thể) khiến người dân kêu oải, tổ trưởng khu phố trầy vi tróc vảy đi thu, phường cũng đau đầu. Nhiều bạn đọc góp ý, phường cứ để dân tự nguyện đóng góp, ai có điều kiện thì góp nhiều, ngược lại góp ít cũng được, mà thiếu quá thì thôi cho nó đúng nghĩa với hai chữ tự nguyện.

Đóng quỹ vì… thương tổ trưởng

Tôi không nhớ năm nay mình đã nộp những loại quỹ gì vì nhiều loại quá. Chỉ nhớ đâu loại thấp nhất là 5.000 đồng, cao nhất là tám chục gì đó, tổng cộng gần 200.000 đồng.

Chuyện nộp quỹ thu quỹ này năm nào họp người dân cũng có ý kiến  nhưng cũng có giải quyết được gì đâu. Phường vẫn cứ thu và dân chúng tôi vẫn cứ phải nộp đều. Ngoài quỹ Nhà nước bắt buộc phải nộp ra, các loại quỹ khác dân đều phải nộp đủ hết theo định mức nào đó, đừng nói đến chữ tự nguyện. Không nộp là không có được đâu, mấy bác trong tổ cứ đến nhà vận động tuyên truyền, rồi nhắc nhở suốt. Phần nhiều là nộp hết vì thấy thương mấy bác tổ trưởng già cả. Tiền thu được các bác phải nộp lên phường, nếu không đủ chỉ tiêu như quy định chắc lại bị phê bình nọ kia. Dân chúng tôi biết hết.

Theo ý kiến của tôi thì loại quỹ nào Nhà nước quy định phải thu phường mới buộc dân đóng. Còn các loại quỹ khác, phường cứ để dân tự nguyện đóng góp, ai có điều kiện thì góp nhiều, ngược lại góp ít cũng được, mà thiếu quá thì thôi, cho nó đúng nghĩa với hai chữ tự nguyện.

Bà Lâm Ngọc Mỹ Hậu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM)

Đã là quỹ tự nguyện thì đừng ép ảnh 1
 

Đặt mức sàn là không phù hợp

Hằng năm, phường tôi cũng xuống thu một số quỹ tự nguyện như bảo trợ trẻ em, khuyến học… và ấn định mức thấp nhất là 20.000 đồng. Tôi thấy mức đó cũng không đáng là bao so với thời giá hiện nay nên có khi đóng luôn 50.000 đồng. Tuy nhiên, nghĩ lại tôi thấy việc ấn định mức sàn như vậy là không hay. Tôi có điều kiện thì thấy dễ dàng đóng góp còn như những người khác như các công nhân, các chị buôn gánh bán bưng kiếm từng đồng… thì là cao. Sau khi hỏi han nhau, tôi cũng đồng tình với các nhà trong xóm là nên vận động, gợi ý số tiền còn ai có khả năng đóng góp bao nhiêu thì họ đóng góp, không đóng góp được thì thôi chứ không ra định mức như vậy.

Võ Thị Nhân (vonguyennhatrang@...)

Dán lên bảng để công khai thu chi

Mỗi năm chúng tôi đóng góp khoảng 200.000 đồng cho các loại quỹ nhưng tôi cũng như nhiều người dân khác không được biết quỹ đó phường thu được bao nhiêu, sau khi nộp lên trên phường được giữ lại bao nhiêu và sử dụng như thế nào.

Trong các cuộc họp tổ dân phố, người dân cũng nhiều lần thắc mắc về vấn đề này, phường cũng có trả lời nhưng chúng tôi vẫn thấy rằng chung chung, chưa thỏa đáng. Chúng tôi có quyền biết tiền mình nộp sẽ đi đến đâu và được sử dụng vào những việc gì.

Tôi không phản đối việc nộp các loại quỹ, bởi mình sống ở địa phương thì phải có trách nhiệm đóng góp, vậy thôi. Quan trọng là tổ dân phố, rồi phường cần bàn lại xem công khai thu chi quỹ thế nào cho người dân được rõ. Nếu tổ dân phố thống kê các khoản thu chi rồi dán lên bảng tin của tổ cho mọi người cùng biết thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

Bà Huỳnh Thị Nhỏ, phường 25, quận Bình Thạnh (TP.HCM)

 

Rõ ràng với người dân là hay nhất

Với tất cả các loại quỹ thu từ trong dân, chúng tôi đều đảm bảo theo một nguyên tắc là thu đúng, quản lý chặt chẽ, chi đúng mục đích và công khai thu chi. Ngay từ khâu thu quỹ từ các khu phố, mọi thứ đã được làm rất công khai, chặt chẽ. Ai nộp quỹ đều được đề nghị ký tên xác nhận vào sổ thu của khu phố là đã nộp những khoản gì, bao nhiêu tiền. Tiếp đó, khu phố sẽ tổng hợp các khoản thu được nộp lên phường theo đúng quy định, có biên lai với từng khoản quỹ cụ thể.

Quỹ thu được, khoản nào phải nộp lên trên phường sẽ nộp, khoản nào phường được chi sẽ gửi vào kho bạc, khi chi tiền vào việc gì sẽ có giấy tờ, biên lai cụ thể mới được rút tiền chứ đâu phải muốn chi bừa bãi là được. Các khoản khu phố được phép tự thu chi, phường sẽ giao lại cho khu phố. Khu phố chi như thế nào, vào việc gì sẽ công khai trong các cuộc họp tổ dân phố. Tôi giải thích hơi dài nhưng như vậy để người dân nắm được là tiền quỹ mình nộp được chi chặt chẽ như thế nào. Ngoài phường thì còn có đơn vị khác tham gia quản lý, giám sát quỹ như kho bạc, mặt trận, đại diện của dân là các ban điều hành khu phố…

Cuối năm, chúng tôi cũng đều công khai thu chi trong cuộc họp tại phường. Từ đó, ban điều hành các khu phố sẽ về phổ biến lại cho người dân trong khu phố nắm được, như vậy là công khai rồi. Còn yêu cầu phải công khai thống kê chi tiết thu chi từng món một, cái đó khó lắm vì nhiều khoản chi phải chia nhỏ. Còn nếu chỉ công khai theo cách năm nay thu được bao nhiêu, chi bao nhiêu một cách chung chung thì chúng tôi cũng đâu có ngại làm. Có điều, cách đó sẽ không đáp ứng được yêu cầu “phải chi tiết từng khoản một” của người dân.

Bà Nguyễn Hồng Thúy, Chủ tịch UBND phường Hiệp Phú, quận 9 (TP.HCM)

THU HƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm