Đà Nẵng đã sẵn sàng để điều trị F0 tại nhà

Sáng 26-11, bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết ngành y tế đang hỗ trợ các quận, huyện thành lập trạm y tế lưu động tuyến xã, phường, sẵn sàng phương án hỗ trợ F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Thành lập trạm y tế lưu động

Sau khi UBND TP thống nhất ban hành kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động, các địa phương sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn.

“Tuỳ theo tình hình dịch sẽ đưa các trạm y tế này đi vào hoạt động. Chúng tôi đã đào tạo toàn bộ nhân lực để vận hành, quản lý, chăm sóc F0 tại nhà” - bà Thủy cho hay.

Hiện Đà Nẵng đang tiếp tục tổ chức tiêm vaccine cho người dân. Ảnh: T.AN 

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Văn Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, cho biết quận đã yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, cơ sở vật chất để lập trạm y tế lưu động tại phường Thọ Quang. Địa phương sẽ thực hiện thí điểm trạm y tế lưu động tại phường này.

“Đây là việc làm rất cần thiết ở thời điểm hiện tại. Điều trị F0 tại nhà là chủ trương đúng của Chính phủ bởi vì hiện nay 95% F0 tại Đà Nẵng lên bệnh viện thì không có triệu chứng. Việc này nhằm giảm chi phí ngân sách và tạo tâm lý thoải mái cho người dân, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” - ông Thuyên cho hay.

Theo bác sĩ Phạm Phú Điềm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, địa phương này đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng cho việc thí điểm các trạm y tế lưu động trên địa bàn.

“Việc giữ F0 tại nhà sẽ gây tâm lý lo lắng. Trước khi thực hiện việc này phải tuyên tuyền cho người dân để họ nắm bắt và đồng hành cùng chính quyền. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các cơ sở vật chất, nhân lực để phục vụ cho trạm y tế lưu động và sẽ triển khai ngay nếu được sự đồng ý” - ông Điềm nói.

Số ca tăng, xác định cấp độ dịch

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng tiếp tục tăng, trong đó có nhiều ca cộng đồng. Ngày 25-11, Đà Nẵng ban hành quy định tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19.

Một vùng xanh tại thời điểm dịch căng thẳng ở Đà Nẵng. Ảnh: BÙI TOÀN

UBND TP xác định 4 cấp độ dịch gồm các tiêu chí đánh giá như: số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần; tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19; bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến. 

Cấp độ dịch được đánh giá và công bố trên quy mô phường, xã hoặc nhỏ hơn (khu vực, khu phố, tổ, thôn, xóm…). Các quận, huyện có các phường, xã có cấp độ dịch khác nhau thì áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng một cách độc lập, không phụ thuộc vào cấp độ của phường, xã còn lại.

Áp dụng tiêu chí trên quy mô quận, huyện (tính trên dân số quận, huyện) và quy mô TP (tính trên dân số TP) để đánh giá cấp độ dịch theo mức 1, mức 2, mức 3, mức 4 nhằm kịp thời xem xét, quyết định chuyển cấp độ dịch tương ứng theo quy mô quận, huyện và toàn TP.

Trường hợp có phường, xã, quận, huyện hoặc TP có cấp độ dịch vượt quá cấp độ 3 thì UBND TP quyết định các biện pháp phù hợp, có thể cao hơn, mạnh hơn các biện pháp quy định tại quyết định này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm