Đà Nẵng tìm hướng xử lý 200.000 m3 vật chất

Chiều 20-4, Sở TN&MT TP Đà Nẵng chủ trì hội thảo khoa học về giải pháp xử lý hiệu quả chất nạo vét từ hoạt động duy tu, xây dựng các tuyến luồng hàng hải, cảng tại Đà Nẵng. Hội thảo được tổ chức ngay sau loạt bài của báo Pháp Luật TP.HCMxoay quanh đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) kiến nghị nhận chìm 200.000 m3 vật chất trên biển Đà Nẵng.

Kinh phí để nạo vét 200.000 m3 vật chất tại luồng hàng hải Đà Nẵng
là 46 tỉ đồng. Ảnh: TẤN VIỆT

Rạn san hô có bị hủy diệt?

Tại hội thảo, PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp - Trường ĐH TN&MT Hà Nội, cho hay theo báo cáo của Tổ chức Hàng hải quốc tế năm 2016 thì khoảng 80%-90% chất được cấp phép nhận chìm ở biển là chất nạo vét.

Theo ông Ca, vị trí dự kiến nhận chìm ở vùng biển mở, sóng và dòng chảy mạnh. Vị trí này khá xa bờ và có độ sâu khá lớn. Khu vực này được dự báo là có hệ sinh thái đáy mềm với đa dạng sinh học không cao. Các quá trình động lực rất mạnh xung quanh bán đảo Sơn Trà sẽ làm cho nước đục từ chất nạo vét nhưng sẽ ảnh hưởng không đáng kể tới hệ sinh thái san hô, cỏ biển xung quanh bán đảo Sơn Trà.

Tuy nhiên, theo ông Ca, phải coi chất nạo vét là nguồn tài nguyên quý giá. Ông Ca đề xuất vị trí nhận chìm nên ở gần bờ, trong vịnh Đà Nẵng. Bởi sóng mạnh gần bờ sẽ rửa trôi dần bùn, sóng dài vào mùa hè sẽ mang cát vào bồi đắp bãi.

“Đà Nẵng nên xác định các khu vực bị xói lở ở bờ biển và chở cát tới để nhận chìm vào vị trí phía ngoài doi cát gần bờ. Nước biển tại một số bãi tắm sẽ khá đục trong thời gian nhận chìm nên làm giảm lượng du khách tắm biển. Tuy nhiên, nước đục trong biển sẽ bồi lắng rất nhanh do hiện tượng kết bông, khu vực ảnh hưởng sẽ không quá lớn” - ông Ca đề xuất.

 

Toàn bộ dải đất ven biển đều là đất đã có mục đích sử dụng, đã là dự án, không gian công cộng. Bây giờ không nhận chìm thì làm thế nào, mà không nạo vét thì cũng không thể nói câu chuyện khai thác và phát triển cảng được. Chủ trương nhất quán của Đà Nẵng là phát triển kinh tế nhưng không vì thế mà hy sinh môi trường.

Ông TÔ VĂN HÙNG, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng

TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Khoa môi trường - công nghệ hóa (Trường ĐH Duy Tân), lại cho rằng chất nạo vét khi nhận chìm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến san hô. Theo khảo sát của bà Phương, san hô khu vực Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đã gần như bị hủy diệt hoàn toàn, ở phía nam của bán đảo san hô cũng chết rất nhiều. Một trong những nguyên nhân san hô bị hủy diệt là do trầm tích. San hô phát triển do cộng sinh với tảo. Nếu trầm tích tăng đột ngột thì tảo cộng sinh sẽ chết trước, san hô chết sau.

“Thật ra vị trí nhận chìm khá nghèo sinh vật. Chất nạo vét khi đổ xuống biển không tác động nhiều ngay tại chỗ nhưng vì là cát thô đồng nghĩa với việc động lực học dòng chảy ở khu vực đó rất lớn, làm phát tán vật chất. Các dòng chảy lan truyền theo những hướng khác nhau tùy theo thời tiết, lan truyền đến sát chân bán đảo Sơn Trà, hủy diệt rạn san hô. TP nên tìm vị trí khác hợp lý hơn” - bà Phương nói.

Mục tiêu hướng tới đô thị sinh thái

PGS-TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, khẳng định sự cố môi trường không nghiêm trọng bằng sự suy thoái hệ sinh thái về lâu dài. “Ở góc độ kỹ thuật, việc nhận chìm hoàn toàn làm được. Tuy nhiên, Đà Nẵng phát triển du lịch, du khách đến Đà Nẵng không chỉ để tắm biển mà còn ăn hải sản, mà sau này không còn hải sản thì làm sao. Tất cả các bên phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm để bảo vệ môi trường cho tốt” - ông Minh nói.

Theo ông Dương Ngọc Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (đơn vị được giao trách nhiệm duy tu, bảo trì các tuyến luồng hàng hải quốc gia), đơn vị không bao giờ tiết kiệm chi phí cho việc quan trắc môi trường. Với sự giám sát của công nghệ hiện đại, ông Đức khẳng định sẽ đảm bảo thi công đúng chỗ, đổ vật chất đúng vị trí. “Chi phí quan trắc rất lớn, khoảng 3 tỉ đồng cho một chương trình giám sát trong vài tháng. Chúng tôi cam kết thực hiện đúng các yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền” - ông Đức nhấn mạnh.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, khẳng định mục tiêu và định hướng phát triển TP rất rõ, hướng tới đô thị sinh thái. Đà Nẵng hầu như không có quỹ đất nào để có thể đổ chất nạo vét nên mới chọn vị trí nhận chìm trên biển.

Theo ông Hùng, mọi người tham gia hội thảo đều bày tỏ lo lắng trước việc nhận chìm vật chất là điều hoàn toàn hợp lý. Ai cũng yêu Đà Nẵng, cảm thấy có gì đó ảnh hưởng đến môi trường của Đà Nẵng đều sẽ lo lắng.

“Hiện nay ở Đà Nẵng tôi khẳng định là không ai dám tham mưu gì không đúng. Ngoài quy định pháp luật, chúng tôi thường xuyên tham khảo ý kiến các chuyên gia. Ý kiến nào có cơ sở khoa học, chúng tôi đều tiếp thu. Bộ TN&MT duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án nhưng Sở TN&MT TP Đà Nẵng là đơn vị giám sát. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất chủ trương phê duyệt luôn các vị trí nhận chìm chứ không chờ từng dự án rồi mới làm” - ông Hùng cho hay.•

 

Dự kiến kinh phí nạo vét 46 tỉ đồng

Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học, công nghệ và môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam), cho hay: Khối lượng nạo vét dự kiến hơn 200.000 m3. Kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước để thực hiện nạo vét là 46 tỉ đồng. Khi được giao khu vực biển, có vị trí nhận chìm chất nạo vét ổn định, dự kiến kế hoạch thực hiện nạo vét duy tu hằng năm từ năm 2022 đến 2025 với khối lượng trung bình khoảng 150.000 m3/năm.

Theo bà Tú Anh, kết quả phân tích các năm 2014, 2017 cho thấy thành phần chất nạo vét tại luồng hàng hải Đà Nẵng chủ yếu là hạt bụi có đường kính rất nhỏ (chiếm trung bình khoảng 80%), lượng cát chỉ chiếm trung bình khoảng 20%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm