Một bé gái co rúm người trước một “dàn” giáo viên dự giờ đứng kín lớp học. Với quang cảnh này, không biết nên hiểu đây là một tiết dự giờ hay là một cuộc dương oai diễu võ khủng bố tinh thần của các giáo viên.
Bản chất của việc dự giờ là nhằm đánh giá khả năng sư phạm của giáo viên. Công việc này đáng lẽ phải thực hiện sao cho thật khéo, thật tế nhị để không ảnh hưởng đến tiết học của học sinh, để học sinh đừng biết rằng thầy cô của chúng đang bị “test”. Tuy nhiên, từ bao năm qua các thế hệ học sinh đều biết thừa rằng việc dự giờ thực ra là một trò diễn kịch, giáo viên bộ môn được thông báo trước, học sinh được “gà” bài để phát biểu. Trước khi kêu học sinh phát biểu, giáo viên còn mơ màng đảo mắt quanh lớp một lượt rồi mới giả bộ kêu một em đã được “bố trí”! Sự giả dối ấy đã diễn ra từ thập niên này đến thập niên khác. Thầy cô diễn cái sự giả dối ấy và bắt các em... phụ diễn đã bao thế hệ nay.
Bức ảnh lan truyền trên mạng
GS Hoàng Tụy có một câu nói rất hay: “Một nền giáo dục lành mạnh trước hết hãy khoan dạy những cái cao siêu mà nên tập trung dạy học sinh sống lương thiện và trung thực”. Thế nhưng chính ông lại nhận xét rằng hiện nay “bệnh giả dối đã trở thành khuyết tật của ngành giáo dục”. Và chúng ta có thể nói thẳng ra rằng việc tổ chức dự giờ là một vở diễn giả dối, lộ liễu nhất từ trước đến nay trong ngành giáo dục. Điều làm nên giá trị của một người thầy đó là lòng yêu thương đối với học sinh, kiến thức vững vàng và phương cách giảng dạy trong suốt thời gian đứng trên bục giảng chứ không thể qua 10 hay 20 tiết dạy có sự chứng kiến, kiểm tra và công nhận của người khác. Chất lượng của một tiết dạy dự giờ khác một tiết dạy bình thường, như vậy ai dám đoan chắc là danh hiệu dạy giỏi mà các thầy cô đạt được có chân giá trị? Nhìn cái cảnh bé nữ sinh đang đứng rúm người trước 14 đôi mắt của các vị đại biểu đứng dàn ngang đang theo dõi, thử hỏi tiết học đó kiến thức học sinh có thực sự thăng hoa? Tư duy của các em có được phát triển độc lập? Nhìn vào bức ảnh tiết dự giờ chúng ta cảm thấy “nghẹt thở ”, thế thì nếu nhìn vào thực trạng giáo dục hôm nay chúng ta sẽ thấy liệu nó còn thở hay không? Bệnh giả dối đã bóp chết nghẹt chức năng của nó từ bao giờ.