“Một giáo viên (GV) bộ môn phải nhận xét hàng ngàn học sinh (HS) một lần thì quá vô lý”. Đó là bức xúc của hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM (xin giấu tên) khi nhận định về các mẫu sổ sách mới mà GV sẽ phải làm khi thực hiện đánh giá HS bằng nhận xét.
Bắt đầu từ ngày 15-10, các trường tiểu học trên cả nước chính thức thực hiện đánh giá HS bằng nhận xét thay cho điểm số theo Thông tư 30/2014 của Bộ GD&ĐT và không ít GV đã “choáng” với khối công việc phải làm.
“Thật khủng khiếp”
Theo phân tích của vị hiệu trưởng trên, mỗi GV chủ nhiệm phải thực hiện nhận xét ít nhất sáu loại bài vở, sổ sách sau: Tập vở; bài kiểm tra thường xuyên; kiểm tra định kỳ; sổ liên lạc; sổ theo dõi chất lượng giáo dục (thay cho sổ điểm); học bạ. Trong đó GV chủ nhiệm phải nhận xét thường xuyên bằng lời trực tiếp hoặc ghi vào phiếu, vở của HS hằng ngày. Hằng tuần, GV lưu ý đến những HS có nhiệm vụ chưa hoàn thành để giúp đỡ các em kịp thời.
Thay đổi lớn nhất và nặng nhất đối với GV là vấn đề sổ sách theo dõi HS. Mỗi HS có một cuốn học bạ, ngoài các thông tin cá nhân phải viết tay, cuối mỗi học kỳ GV chủ nhiệm phải nhận xét chi tiết gần 20 mục. Trong đó có 11 môn học và chín mục về phẩm chất, năng lực, thành tích nổi bật… Ngoài ra, mỗi lớp sẽ có thêm hai loại sổ nữa là sổ theo dõi chất lượng giáo dục của GV chủ nhiệm (hai cuốn vì sổ chỉ cho phép ghi 35 HS, trong khi lớp thường trên 40 HS) và GV bộ môn (cũng hai cuốn/lớp). Cứ cuối tháng, GV chủ nhiệm và GV bộ môn phải cập nhật nhận xét cho mỗi HS vào sổ này một lần theo ba mục gồm: môn học và hoạt động giáo dục, năng lực, phẩm chất.
“Bình quân mỗi lớp có 45 HS. GV bộ môn (âm nhạc, thể dục, mỹ thuật, tin học…) chỉ dạy một tiết/lớp/tuần nên để dạy đủ số tiết quy định họ phải dạy ít nhất 23 lớp/tháng. Nghĩa là ngoài nhận xét thường ngày, cuối tháng họ phải nhận xét vào 46 sổ theo dõi chất lượng giáo dục cho tất cả HS 23 lớp là 1.035 em, mỗi em phải ghi đủ ba mục, trường nào có sĩ số cao thì thật khủng khiếp. Như thế thì quá vô lý, GV làm đối phó còn không đủ thời gian chứ đừng nói đến hiệu quả!” - vị hiệu trưởng này bức xúc nói.
Làm cho xong thì mang tính đối phó
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Dương Đức Anh, GV dạy âm nhạc kiêm tổng phụ trách của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp), cho rằng việc đánh giá HS bằng nhận xét là rất hay, giảm áp lực cho các em. Tuy nhiên, do trường mới, 15 lớp đều do thầy giảng dạy với khoảng 600 HS. Mỗi tuần, thầy dạy một lớp chỉ có một tiết, GV không thể nhớ được tất cả các em nên ngoài nhận xét cho một số em trên lớp, việc phải ghi chép vào sổ theo dõi cho cả 600 em trong một tháng sao cho hiệu quả là không đơn giản.
“Quy định của Bộ không bất cập hay khó khăn gì cả, hoặc có khó nữa thì GV vẫn làm được nhưng hơi vất với GV. GV cần có thời gian để làm sao đầu tư cho bài giảng, tiết học đến với HS có chất lượng nhất chứ không phải lúc nào cũng vùi đầu vào sổ sách. GV chúng tôi đi dạy cả ngày rồi còn phải lo cho gia đình và sinh hoạt khác nữa. Chưa kể, tôi còn kiêm làm tổng phụ trách, mỗi tháng phải đề ra các hoạt động cho trường, làm báo cáo, triển khai hoạt động…” - thầy Đức Anh chia sẻ.
Đồng tình nhận xét này, một GV dạy lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận 5 cũng giãi bày hiện cô đang làm chủ nhiệm một lớp 45 HS. Mỗi lần ghi nhận xét cô phải tốn gấp ba lần thời gian để chấm điểm vì phải suy nghĩ và rèn chữ viết, nhất là gặp những bài làm của các em sai gần hết lại càng phải suy nghĩ nhiều hơn vì không thể nhận xét cho có. Cô thẳng thắn: “Bình thường tôi phải ở trường cả ngày, đến sổ liên lạc cuối tháng phải ôm về nhà mới ghi được hết nói gì đến các loại sổ mới, nhìn mục nào cũng nhận xét mà chóng cả mặt. Tối ngày lọ mọ viết nhận xét thì thời gian đâu để nghỉ ngơi hay nghiên cứu, sáng tạo cho bài giảng hay hơn?”.
Cần điều chỉnh lại
Nhận xét HS thay cho điểm số là cách làm hay của các nước có nền giáo dục tiên tiến, mang tính nhân văn, khuyến khích HS học tập, rèn luyện. Nhưng cách làm này chỉ phát huy hiệu quả tốt khi sĩ số HS trong lớp ít và mỗi GV chỉ phụ trách một vài lớp, còn không sẽ phản tác dụng. Ở Việt Nam, sĩ số lớp thường cao ngất nên GV phải gánh cả núi công việc. Để tháo gỡ, trước mắt nhiều hiệu trưởng kiến nghị nên chăng GV bộ môn chỉ phải ghi nhận xét HS vào sổ theo dõi vào cuối năm hoặc cùng lắm là cuối mỗi học kỳ (hiện quy định mỗi tháng). Ngoài ra, Bộ chỉ nên thiết kế các mục là “đạt” hay “chưa đạt” vì ghi nhận xét thì GV đã làm hầu như liên tục hằng ngày rồi.
“Đánh giá HS bằng nhận xét là hay nhưng phải phù hợp với lao động của GV để họ đi dạy được thoải mái, tạo ra bài giảng có chất lượng thì cách làm đó mới hiệu quả thực sự chứ không phải vùi đầu vào sổ sách để đối phó” - vị hiệu trưởng nêu ý kiến.
Xem lại việc xếp thời khóa biểu cho GV Tôi nghĩ đọc tài liệu về nhận xét HS, GV cảm giác nặng nhưng khi thực hiện sẽ khác, có chăng là nhận xét vào học bạ cuối năm cho HS. Vì vậy trong quá trình dạy, GV phải thực hiện tốt tiết dạy trước, mỗi ngày chỉ lưu ý nhận xét đến một vài em, tận dụng việc các em tự nhận xét để tiết dạy nhẹ nhàng, động viên được các em. Riêng đối với GV bộ môn, đúng là việc phải nhận xét hàng ngàn HS mỗi tháng thì hơi vất vả. Vì vậy các trường phải xem lại việc xếp thời khóa biểu cho GV bộ môn để làm sao đảm bảo được số lượng HS/GV, không để GV bị áp lực vì dạy quá nhiều HS. Bà VÕ NGỌC THU, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5 Cùng góp ý tìm cách tháo gỡ Sở đã chỉ đạo các quận/huyện và các trường tập huấn đến từng GV và giới thiệu đến cả nhân viên, cha mẹ HS và giải thích cho HS một cách chu đáo, tạo điều kiện cho GV thực hiện một cách nhẹ nhàng và hiệu quả. Lúc đầu GV sẽ cảm thấy lo lắng nhưng từ từ trong quá trình thực hiện, GV sẽ chủ động trong việc dạy, quan sát để việc nhận xét HS nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, khó khăn, các GV sẽ cùng trao đổi trong tổ khối chuyên môn và cùng góp ý tìm cách tháo gỡ dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp quản lý giáo dục. Ông NGUYỄN QUANG VINH, Trưởng phòng Giáo dục Đối phó với 63 cuốn sổ! Tôi biết các vị ở Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ rồi nhưng không thực tế chút nào cả. Tôi dạy 21 lớp, sĩ số trung bình 40 HS trên lớp, vậy là tôi có khoảng 840 HS. Theo Thông tư 30 thì tôi sẽ có sổ điểm và sổ nhật ký cho 21 lớp đó, nếu theo quy định sổ của Bộ GD&ĐT là 35 HS trên một cuốn, vậy một lớp tôi có hai cuốn sổ điểm và một sổ nhật ký, tổng cộng là tôi có 63 cuốn sổ ( trời ơi là trời!) chưa kể giáo án, sổ hội họp, sổ dự giờ... Mà sổ điểm phải vào đầy đủ lý lịch của 840 HS đó, thời buổi công nghệ mà bảo chép bằng tay nữa cơ. Một tiết dạy có 45 phút, không biết phải phân bổ thời gian như thế nào nữa. Một buổi tôi dạy năm tiết, vậy tổng sổ tôi mang là 15 cuốn chưa kể giáo án, kiểu này phải chuẩn bị dây thun để cột trên yên xe thôi. Thật sự cách quản lý HS như thế này sẽ rất tốt đối với một lớp từ 10 đến 15 HS như nước ngoài nhưng với sĩ số như hiện nay thì các vị nên nghĩ lại, nếu không GV sẽ thực hiện kiểu đối phó, hiệu quả chẳng tới đâu. Một GV xin giấu tên |