“Thời gian qua, việc đặc xá như chúng ta làm hơi bị lạm dụng quá. Yêu cầu nhân đạo, một biện pháp nhân đạo của Nhà nước thì mờ hơn so với nhu cầu giảm tải” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) phát biểu tại nghị trường. Ông Bình dẫn số liệu cho thấy trong 10 năm chúng ta có bảy đợt đặc xá (trung bình khoảng 1,5 năm có một đợt đặc xá) với 85.000 phạm nhân được đặc xá (hơn 10.000 người/đợt).
Niềm vui đặc xá dịp 2-9. Ảnh minh họa: Zing
Theo chánh án TAND Tối cao, điều này tạo ra một sự mâu thuẫn: khi HĐXX muốn tăng hình phạt lên sáu tháng hay một năm tù sẽ phải họp cân nhắc, thậm chí chịu áp lực rất lớn từ xã hội nhưng khi đặc xá lại đặc xá với số lượng rất lớn và (miễn chấp hành hình phạt tù) rất nhiều năm.
Ông Bình cho hay Bộ luật Hình sự hiện hành quy định chế định mới là tha tù trước thời hạn, có thể thực hiện 2-3 đợt mỗi năm, phần lớn gắn liền với các ngày lễ trong năm.
“Khác cơ bản là tha tù trước thời hạn, anh bị án 10 năm, đã chấp hành năm năm, sau đó được tha tù trước thời hạn. Trong thời hạn chấp hành ở ngoài nhà tù, anh có vi phạm sẽ lại quay lại nhà tù để chấp hành phần còn lại của bản án. Đặc xá là tha luôn, không phải quay lại” - ông Bình so sánh.
Ông Bình sau đó lưu ý thời điểm đặc xá phải đúng những sự kiện đặc biệt quan trọng như: Ngàn năm Thăng Long, trăm năm nhà nước, đại hội Đảng, tức là nhiều năm mới làm một lần. “Nếu thực hiện mỗi năm một lần sẽ trùng với tha tù trước thời hạn” - ông Bình nói.
Liên quan đến điều kiện được đặc xá, Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, Luật Đặc xá 2007 quy định, một trong những điều kiện để được đặc xá là phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với tài sản do tham nhũng. Dự thảo lần này quy định theo hướng không bắt buộc phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, chỉ cần có văn bản thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá là đủ điều kiện để xét đặc xá.
Không đồng tình, Chánh án TAND TP. Hà Nội cho rằng, đối với nhóm tội về tham nhũng và nhóm tội về chiếm đoạt, một trong những yêu cầu quan trọng nhất là phải thu hồi tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản chiếm đoạt cho người bị hại. “Nếu chấp nhận phương án thỏa thuận bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường sau khi đặc xá sẽ không khả thi, không thể thu hồi tài sản cho nhà nước, cho tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, có chăng quy định này chỉ nên áp dụng với một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe người khác theo Bộ luật Hình sự 2015”- ông Chính nêu quan điểm.