Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng từ đầu nhiệm kỳ, việc xây dựng luật, pháp luật có hai điểm nổi bật.
Một là có được Đề án trình Bộ Chính trị định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ. Hai là có phương thức lập pháp thích ứng với tình hình, điển hình như các Nghị quyết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trao cho Chính phủ thẩm quyền để ứng phó với đại dịch.
Tuy vậy, theo ĐB Lê Thanh Vân, hoạt động lập pháp còn có ba hạn chế cố hữu.
Thứ nhất là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo ĐB, đây không phải là điều hay, thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa.
“Việc điều chỉnh thường xuyên không khác gì việc người lái ô-tô thỉnh thoảng đỗ lại sửa xe. Việc thay đổi thường xuyên các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đó là sự chưa chín muồi trong các kiến nghị lập pháp, không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”, ĐB Lê Thanh Vân nói.
Điều thứ hai ĐB Lê Thanh Vân đề cập là chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến, tức là những định hướng, nội dung chưa hướng dẫn được hành vi của mọi người. Hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, thậm chí nghị định, thông tư cũng không cụ thể. Cuối cùng là người áp dụng pháp luật dễ tùy tiện, hậu quả là làm khổ người dân, doanh nghiệp.
"Thứ ba, kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định được. Đặc biệt, quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn cài cắm lợi ích”, ĐB Lê Thanh Vân nói.
ĐB Lê Thanh Vân đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hạn chế bớt quyền điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ảnh: QH |
Từ đó, ĐB Lê Thanh Vân kiến nghị sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cho toàn khóa và duy trì kỷ cương lập pháp theo chương trình đó. ĐB đề nghị hạn chế tối đa việc điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh hàng năm.
“Ngay cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nên hạn chế bớt quyền điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm…”, ĐB Lê Thanh Vân nói.
Kiến nghị thứ hai của ĐB Lê Thanh Vân là khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế bớt các quy phạm chính trị trong các đạo luật bằng cách đổi mới thành phần ban soạn thảo. Thành phần ban soạn thảo luật nên theo hướng có nhiều nhà khoa học, chuyên môn tham gia và đặc biệt là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật.
ĐB Lê Thanh Vân cũng đề nghị Thủ tướng nên phân công một Phó thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật của Chính phủ.
“Chúng ta cần coi tiêu chí xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế của những chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn là một tiêu chí đánh giá”, ĐB Lê Thanh Vân đề xuất.
Đặc biệt, ĐB Lê Thanh Vân kiến nghị: “Trong Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay phải thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư là: xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật. Nếu đạo luật đó sau này có hại cho nước, cho dân thì phải chịu trách nhiệm. Tinh thần đó nên được thể hiện trong dự thảo nghị quyết lần này”.
Về ba dự luật mà Quốc hội khóa XIV đã “có ý kiến”
Trình bày dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay: Đối với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 3 dự án luật này.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét việc đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2023 đối với 3 dự án luật và nhận thấy, Chính phủ đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, ý kiến của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, sự cần thiết ban hành và nội dung chính của 3 dự án luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh... trước Quốc hội. Ảnh: QH |
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Về tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông Tùng cho hay: trên cơ sở cân đối số lượng các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Trường hợp các dự án được chuẩn bị tốt, qua thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ để thông qua ngay tại kỳ họp thứ 6.