Chủ tịch Quốc hội: 'Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra'

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết tại kỳ họp 5, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay 22-5, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cho biết kỳ họp sẽ có 23 ngày làm việc, được tổ chức làm hai đợt. Đợt 1 từ ngày 22-5 đến 10-6 và đợt 2 từ ngày 19-6 đến ngày 24-6.

Lý do chia thành hai đợt là để dành một tuần để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp.

Cho ý kiến 20 dự án, dự thảo Luật, Nghị quyết

Về công tác lập pháp, kỳ họp sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật. Trong đó có Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Đặc biệt tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự luật quan trọng, có tác động đến “mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân”. Dự luật đã nhận được hơn 12 triệu lượt góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác, trong đó có Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)…

Như vậy kỳ họp sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua một khối lượng lớn dự thảo Luật, Nghị quyết (khoảng 20 dự án, dự thảo), trong đó có nhiều nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng.

“Đề nghị các ĐBQH dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất. Đặc biệt lưu ý bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ…” - Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Nguy cơ nợ xấu gia tăng

Kỳ họp cũng xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội, ngân sách đồng thời xem xét, quyết định các nội dung quan trọng khác. Trong đó có việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43 ngày 11-1-2022 của Quốc hội; việc thực hiện các dự án giao thông, thuỷ lợi…

Chủ tịch Quốc hội cho hay những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm…đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.

“Mức tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra; một số địa phương có mức tăng trưởng âm hoặc thấp so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp; một số điểm nghẽn của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực tỷ giá, lãi suất tăng cao; nguy cơ nợ xấu gia tăng; tình hình dịch bệnh, thiên tai dự báo sẽ diễn biến phức tạp…” - Chủ tịch Quốc hội nêu.

Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV đã chính thức khai mạc sáng nay 22-5.
Kỳ họp 5, Quốc hội khoá XV đã chính thức khai mạc sáng nay 22-5.

Theo đó, ông đề nghị các ĐBQH tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…

Làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới.

Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

Giám sát việc huy động nguồn lực chống dịch COVID-19

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Trên cơ sở báo cáo, đề nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện và quy định của pháp luật, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; kiến nghị các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc còn tồn đọng trong quản lý và sử dụng các nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với y tế cơ sở, y tế dự phòng trong thời gian tới. Căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội sẽ thảo luận, thông qua nghị quyết về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH cho ý kiến, lựa chọn nội dung giám sát cho Chương trình giám sát và thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2024.

Nội dung giám sát bảo đảm “đúng trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào những vấn đề mấu chốt còn vướng mắc, bất cập.

Nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với các nội dung được giám sát, nhất là trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề bức xúc, nổi lên được cử tri, Nhân dân cả nước quan tâm. Qua đó, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực chất của hoạt động giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết ngay đầu kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2021-2026.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm