Video: 'Đại công trường' khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu |
Tranh thủ thời gian tỉnh Quảng Nam làm thủ tục đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, người dân xã huyện Phú Ninh mang theo dụng cụ, máy móc… khai thác vàng trái phép.
Hoạt động khai thác vàng diễn ra rầm rộ, bất chấp giờ giấc tạo nên khung cảnh như “đại công trường” giữa núi rừng.
Công trường khai thác vàng giữa rừng
Men theo con đường từ trung tâm xã Tam Lãnh, PV vượt qua nhiều đồi dốc đất đá lởm chởm. Phía cuối con đường, phía bên phải là dãy núi án ngữ tầm nhìn. Ngay trên sườn núi, hàng chục lán trại bạt màu xanh nhìn từ xa như những chấm li ti xen kẻ vào màu xanh của cây lá.
Những đốm li ti màu xanh (dương) xen kẻ giữa rừng. Ảnh: TN |
Đứng ở cuối đường, gần khu vực di tích Thác Trắng, PV liên tục chạm mặt những người được cho là phu vàng ra vào với ánh mắt thăm dò. Sau những lần gặp, tiếng máy nổ inh ỏi vọng ra từ phía sườn núi bắt đầu lặng dần, đến khi dứt hẳn.
Những người này có thể là "chim mồi" hoặc phu vàng. Khi có người lạ xuất hiện, họ sẽ thông báo cho nhau dừng hoạt động khai thác, chuẩn bị giấu dụng cụ, máy móc để lẩn trốn. Đây cũng là cách các phu vàng phản ứng khi cơ quan chức năng kiểm tra, truy quét.
Hai vợ chồng dẫn theo con vào khai thác vàng trái phép. Ảnh: TN |
Tại khu vực đồi Nhà Thùng (tên gọi của người dân địa phương), một cặp vợ chồng cùng con trai khoảng 10 tuổi đang múc từng rổ cát để khai thác vàng. Người chồng cho hay vợ chồng anh mang theo cơm, nước, xà beng, cuốc, rổ… dẫn theo con trai vào khu vực này để “mót vàng” từ sáng sớm.
Người vợ liên tục dùng xà beng xăm vào hộc đá, múc từng rổ đất đưa cho con trai chuyển cho chồng. Anh chồng ngồi ngay vòi nước, rửa sạch đất trên rổ, còn lại đá thì đổ đi. “Vàng ngân sẽ đọng lại trên máng, làm cả ngày chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng” - anh nói.
Lán trại tạm bợ ngay trong rừng. Ảnh: TN |
Cũng theo anh này, vợ chồng anh không có đất, không đủ điều kiện thuê đất nên chỉ “mót vàng”. Còn những người khác có đủ điều kiện họ mua máy móc, phương tiện lên giữa sườn núi dựng trại, khai thác rầm rộ.
Men theo vách núi, chúng tôi tiếp cận khu vực sườn núi hầm lò 10 (cách gọi của người dân-PV) thì thấy nhiều lán trại và một số hồ chứa quặng vàng. Tại đây, hai người đang cặm cụi đãi quặng vàng, khi thấy người lạ liền rời đi.
Một hầm lò trong mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: TN |
Phía chân núi bên dưới các lán trại, nước từ hoạt động khai thác vàng chảy dọc theo máng dùng để đãi vàng men theo các khe, đổ thẳng ra suối. Tuỳ từng vị trí, bụi đá hoà tan vào nước tạo màu trắng đục như sữa hoặc mang theo bụi đất bazan màu đỏ cam.
Địa phương “chịu thua”
Ông Nguyễn Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho biết hoạt động khai thác vàng trái phép rầm rộ trở lại khoảng gần một tháng nay, sau thời gian dài tạm lắng. Người dân khai thác vàng rầm rộ, có người khai thác tại chỗ, có người chở đất đá về nhà xay để mót vàng… nhưng địa phương “chịu thua”.
Người dân khai thác vàng rầm rộ nhưng địa phương "chịu thua". Ảnh: TN |
“Từ cuối 2022, xã bắt đầu truy quét quyết liệt. Công an huyện thành lập hai chốt, nghiêm cấm phương tiện cơ giới đi vào, sau đó tình hình yên ổn thì các chốt này rút. Tình hình bắt đầu phức tạp trở lại thì địa phương tiếp tục xin thành lập chốt, cấp trên giao cho xã chịu trách nhiệm về nhân lực, nhưng xã thiếu người nên không quản lý nổi” - ông Sự chia sẻ.
Theo ông Sự, địa bàn xã quá rộng, núi rừng hiểm trở nên công tác kiểm tra, truy quét không thể chặt chẽ. Ngoài ra, hoạt động khai thác vàng còn có “chim mồi” nên càng gây khó cho địa phương.
“Trung bình một tuần xã tổ chức truy quét một lần nhưng vẫn không dẹp nổi” - ông Sự nói.
Đất đá chất thành đống thải ra từ hoạt động khai thác vàng. Ảnh: TN |
Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh chia sẻ thỉnh thoảng có nghe dư luận đồn đoán có việc bảo kê ở các điểm khai thác vàng trái phép.
“Chính mình cũng nghe dân nói, nhưng mà không có cơ sở. Khi tổ chức truy quét điểm nào cũng đều bí mật, đến nơi đập phá, tiêu huỷ phương tiện. Để mà truy cho ai bảo kê thì ‘bí’” - ông Sự thừa nhận.
Được biết, tháng 3-2022, sau nhiều lần kiến nghị, Bộ TN&MT phê duyệt đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, giao cho địa phương thực hiện với tổng kinh phí 19,5 tỉ đồng. Nguồn vốn dự án từ nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty vàng Bồng Miêu và bổ sung từ ngân sách tỉnh.
Nhiều lán trại tạm bợ dựng ở mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: TN |
Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam Trần Duy Phúc, Đại diện Chủ đầu tư dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu, cho hay dự án đã triển khai thi công. Mỏ vàng Bồng Miêu có tổng diện tích hơn 360 hecta, phạm vi dự án khoảng 50 hecta.
Theo ông Phúc, trước đây trong phạm vi dự án có xảy ra hoạt động khai thác vàng trái phép.
Bạt che tạm trong mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: TN |
Ông Huỳnh Tuấn Nhật, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Ninh, cũng cho hay tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn diễn ra phức tạp. Lực lượng liên ngành của địa phương thường xuyên truy quét.
“Tuy nhiên, đoàn truy quét vừa quay lưng ra về thì họ tiếp tục vào đào bới khai thác vàng trở lại” - ông Nhật nói.
Theo ông Nhật, khu vực khai thác vàng trái phép chủ yếu nằm trong diện tích 50 hecta của dự án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu. Phía chủ đầu tư đề nghị huyện Phú Ninh hỗ trợ thi công nhưng giữa hai đơn vị chưa có sự phối hợp chặt chẽ.
“Thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với địa phương tổ chức truy quét hai lần/tuần. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa căn cơ để chấm dứt hoạt động khai thác vàng trái phép” - ông Nhật nói.
Nước đục như sữa chảy ra suối. Ảnh: TN |
Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ vàng vào năm 2005, hết hạn vào năm 2016. Khi hết hạn khai thác phải đóng cửa mỏ nhưng công ty này phá sản nên không thể triển khai.
Thời gian chờ dự án, mỏ vàng Bồng Miêu không được quản lý chặt chẽ dẫn đến người dân đổ xô vào khai thác trái phép, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Hoạt động khai thác vàng trái phép khiến tài nguyên quốc gia bị “rút ruột”, đất đai bị đào bới, hoá chất từ hoạt động khai thác vàng trái phép… có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.