Đại học có phải chỉ là dạy nghề?

(PLO)- Đại học phải giáo dục con người trên nền tảng rộng lớn hơn chứ không chỉ huấn luyện cho họ một nghề cụ thể.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng năm, cứ đến dịp tuyển sinh đại học (ĐH), chúng ta lại thấy các trường ĐH mở ra những ngành đào tạo mới. Lẽ tất nhiên, khi mở ra các ngành học mới, các trường đều dựa trên những thông tin về nhu cầu của xã hội và những ngành mới ấy luôn được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vậy ĐH có phải là dạy nghề không?

Việc mở ngành mới là điều bình thường, tuy nhiên, có một điều khiến chúng tôi cảm thấy băn khoăn đó là có nhiều ngành mới, mặc dù cũng được gọi là ngành học nhưng hình như nó chỉ giống với những ngành mang tính đào tạo nghề và điều đáng nói hơn là nhiều trường ĐH vốn được định hướng theo hướng nghiên cứu hàn lâm, nghiên cứu cơ bản nhưng cũng mở thêm những ngành học mang tính dạy nghề này.

Lâu nay, có lẽ điều mà mọi người đều đã nhận thức được đó là có sự khác biệt rất lớn giữa đào tạo ĐH và đào tạo nghề.

Nói đến đào tạo ĐH là nói đến đào tạo bậc cao và hướng đến việc sản xuất ra tri thức mới và đào tạo về năng lực tư duy cho người học chứ không phải là trang bị kiến thức cho người học như một người học nghề.

ĐH có phải là dạy nghề không? Điều này đã từng được Giáo sư Drew Gilpin Faust, nguyên Hiệu trưởng ĐH Harvard (Mỹ) nói đến trong chuyến thăm Việt Nam cách đây vài năm. Theo bà, chắc chắn ĐH phải giúp mọi người tìm được nghề thông qua việc giáo dục của mình, nhưng ĐH phải giáo dục con người trên nền tảng rộng lớn hơn chứ không chỉ huấn luyện cho họ một nghề cụ thể, tức là cần phải giáo dục khai phóng cho người học để họ tự nhận thức, tự phân tích và đánh giá các vấn đề đặt ra trong đời sống.

đại học có phải là dạy nghề
Đại học là đào tạo bậc cao và hướng đến việc sản xuất ra tri thức mới. Ảnh: THẢO HIỀN.

Như vậy, đào tạo ĐH rõ ràng không phải là đào tạo nghề như các trường đạo tạo nghề vốn chỉ chú trọng đến việc trang bị các kiến thức và kỹ năng để thực hành một nghề nào đó. ĐH có sứ mạng lớn hơn nhiều mà quan trọng nhất là đào tạo khả năng tư duy để từ đó mới có khả năng sáng tạo ra tri thức mới cho xã hội.

Rõ ràng, trong các định chế của xã hội thì giáo dục ĐH là định chế phải đảm nhiệm chức năng sáng tạo ra tri thức mới, là nơi lan tỏa những hiểu biết mới cho xã hội. Vì vậy, nếu giáo dục ĐH chỉ bó hẹp trong việc dạy các kỹ năng nghề nghiệp thì rõ ràng, ĐH đã chưa làm tròn được nhiệm vụ của mình.

Giáo dục ĐH cần phải hướng tới điều lớn lao hơn là dạy nghề!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm