Những ngày qua, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố điểm trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm năm 2024.
So với năm trước, nhìn chung, điểm chuẩn vào ĐH ở các phương thức đều tăng hơn. Trong đó, thể hiện rõ nhất là ở phương thức xét điểm kết quả học tập THPT (điểm xét học bạ), điểm nhiều trường, nhiều ngành ở mức rất cao. Có những ngành, nếu tính trung bình thí sinh chỉ đạt 9 điểm/môn vẫn không thể trúng tuyển.
30/30, 10/10 điểm mới trúng tuyển
Cụ thể, đáng chú ý nhất là kết quả trúng tuyển theo điểm xét học bạ của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2024.
Theo công bố của trường, cả năm ngành học của trường tại cơ sở chính ở Hà Nội đều có điểm chuẩn trúng tuyển từ mức 26,76 trở lên, theo tổ hợp 3 môn.
Trong đó, ngành học có điểm chuẩn cao nhất là Luật kinh tế vì điểm trúng tuyển ở cả 9 tổ hợp môn đều trên 28 điểm và đặc biệt có đến hai tổ hợp có điểm tuyệt đối 30/30 là A00 (Toán, vật lý, hóa học), A01 (Toán, vật lý, tiếng Anh). Thấp hơn một chút là tổ hợp C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý) là 29,8 và D01, D03 cùng 29,54 điểm.
Với mức điểm này, nếu không có điểm ưu tiên hay khuyến khích, gần như thí sinh phải đạt 10 điểm/môn hoặc gần chừng đó mới có thể trúng tuyển.
Ở ngành Luật thương mại quốc tế và một số tổ hợp môn ở ngành Luật, thí sinh phải đạt trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển.
Tại TP.HCM, có Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ở phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng, điểm chuẩn của 29 ngành học đều ở mức cao, từ 8.00 điểm trở lên, thang điểm 10. Trong đó, Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) là ngành duy nhất có điểm chuẩn lên đến 9,8/10.
Đây cũng là ngành duy nhất có mức điểm chuẩn tuyệt đối 10/10 ở phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định ĐH Quốc gia TP.HCM. Kế đến là Trí tuệ nhân tạo với mức 9.9 điểm, ngành Khoa học dữ liệu 9.85 mới trúng tuyển.
Theo lý giải của trường, năm 2024, trường tuyển sinh tổng 4.010 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng từ 1-5% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành. Và chỉ tiêu tuyển sinh phương thức ưu tiên xét tuyển tối đa 20% trên tổng chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành.
Tuy nhiên, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển của phương thức này lên đến 2.686 thí sinh với 6.197 nguyện vọng và đều phải thỏa điều kiện là học sinh giỏi. Riêng ngành Khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) là ngành có chỉ tiêu hạn chế nhưng thu hút nhiều thí sinh quan tâm nên ngành này có điểm trúng tuyển cao nhất ở tất cả các phương thức xét tuyển sớm.
Nhiều ngành sư phạm điểm chuẩn cao chót vót
Còn với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ở phương thức xét tuyển thẳng và xét học bạ, hàng loạt ngành có điểm chuẩn trên 29, như Sư phạm Lịch sử (29,71 điểm), sư phạm Toán học – dạy toán bằng tiếng Anh (29,3), sư phạm Vật lý (29,13), sư phạm sinh học (29,23), sư phạm địa lý (29,4). Một số ngành khác cũng trên 28 điểm, như quản lý giáo dục, sư phạm toán học, sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm vật lý (dạy bằng tiếng Anh)…
Tương tự, theo công bố của Trường ĐH Cần Thơ ở phương thức xét tuyển kết quả học bạ, có 5/16 ngành đào tạo sư phạm với điểm chuẩn trên 29. Cụ thể là sư phạm Toán với 29,6 điểm. Bốn ngành còn lại là sư phạm Hóa học, sư phạm Vật lý, sư phạm Sinh học, sư phạm Khoa học tự nhiên.
Còn theo công bố của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM ở phương thức xét học bạ, đối với thí sinh nhóm trường THPT trong tốp 200, cao nhất là ngành công nghệ thông tin với 27,75 điểm; ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử cùng 27,25 điểm; kỹ thuật dữ liệu, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cùng 27 điểm.
Đáng chú ý là đối với nhóm các trường THPT ở tốp thường, không tính ngành sư phạm tiếng Anh (vì môn tiếng Anh nhân đôi), ngành cao nhất là Công nghệ thông tin với 29 điểm, tức mỗi môn thí sinh phải có điểm học bạ ở mức gần tuyệt đối mới trúng tuyển. Nhiều ngành điểm chuẩn từ 28 điểm trở lên, như công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Robot và trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật thiết kế vi mạch, công nghệ kỹ thuật máy tính cùng mức 28,85 điểm .
Chia sẻ từ một đại diện trường, năm nay trường dành khoảng 50% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT cao kỷ lục, lên đến khoảng 100.000 nguyện vọng, nhất là nhóm ngành về công nghệ kỹ thuật, công nghệ thông tin...
Còn với Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), ở phương thức xét học bạ đối với thí sinh có thành tích xuất sắc, có đến 5 ngành điểm chuẩn từ 27,5 trở lên, đặc biệt có bốn ngành trên 28 điểm. Dẫn đầu là truyền thông đa phương tiện với 28,85, báo chí 28,5, báo chí (chuẩn quốc tế) 28,2 điểm, tâm lý học 28 điểm. Tất cả các ngành học còn lại cũng đều trên 24 điểm.
Tìm hiểu vấn đề này từ thông tin tuyển sinh của các trường cho thấy những ngành có điểm chuẩn cao ngất ngưởng đều thuộc các ngành hot, thu hút sự quan tâm lớn của thí sinh.
Cạnh đó, nhiều trường thuộc nhóm trường tốp đầu, dành chỉ tiêu không nhiều cho điểm xét học bạ và chỉ ưu tiên cho học sinh giỏi, học sinh có thành tích cao ở các lĩnh vực. Điều này cho thấy, điều kiện tuyển sinh đầu vào cao nên điểm chuẩn cũng ở mức cao nhất.
Xét học bạ có kết quả xét tuyển cao thứ 2
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2024 có 20 phương thức được các cơ sở đào tạo ĐH sử dụng xét tuyển trong tuyển sinh. Trong đó, xét học bạ vẫn được nhiều trường sử dụng, nhất là các trường ngoài công lập dành chỉ tiêu khá lớn.
Bộ GD&ĐT cũng thông tin, ở năm 2023, cả nước có 214/322 cơ sở đào tạo xét tuyển sớm. Và có hơn 375.000 thí sinh trúng tuyển sớm nhưng chỉ gần 40% em trong số này xác định trúng tuyển bằng cách đặt là nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển.
Trong đó, xét học bạ là phương thức có kết quả xét tuyển cao thứ hai với 30,24%, chỉ xếp sau xét điểm thi tốt nghiệp THPT (49,45%).