Ngày hôm qua nghệ sĩ Đại Nghĩa đã đưa lên facebook của mình một bài viết đòi nợ một nhà sản xuất chương trình truyền hình và một nhà quảng cáo đã nợ tiền cát-xê của anh quá lâu. Anh cho biết “Đã rất thông cảm thậm chí thiếu điều muốn năn nỉ làm ơn thanh toán cho tui số tiền công sức mà tui xứng đáng được hưởng. Vậy mà mọi việc vẫn diễn ra theo ý bên đó, tức là khi nào có hoặc khi nào thích thì trả, còn không thì cứ đợi”.
Đại Nghĩa là một gương mặt diễn viên hài quen thuộc. Anh diễn cho Kịch IDECAF nhiều năm, hiện trở thành một MC ăn khách của nhiều chương trình truyền hình. Ảnh: FBNV
Đại Nghĩa chỉ ra chiêu trò né tránh trả nợ cát-xê của nghệ sĩ của các đơn vị đối tác là thường xuyên báo sếp đi công tác, thủ quỹ đau ốm… khi nghệ sĩ hỏi cát-xê. Chia sẻ của Đại Nghĩa lập tức nhận được sự đồng tình và chia sẻ khác của nhiều đồng nghiệp nổi tiếng.
Đại Nghĩa và Lê Khánh trong một chương trình truyền hình. Ảnh tư liệu.
Nghệ sĩ Lê Giang viết: “Bởi vậy, chị hiểu quá, riết rồi chán. Đi làm kiếm tiền chờ ngày lãnh lương, cũng cả tháng mà có nhiêu đâu. Ai cũng tưởng nổi tiếng, nghệ sĩ làm tiền nhiều mà đâu ai hiểu”.
Nghệ sĩ Tiến Luật comment: “Em cũng bị như vậy mà em từ mặt một công ty tưởng thân đó chứ anh”. Vợ Tiến Luật, nghệ sĩ Thu Trang viết: “Quá mệt mỏi hả anh. Em cũng từng bị mà”.
MC Nguyên Khang nói: “Hoàn toàn đồng ý với anh. Lần nào cũng lấy lý do sếp đi nước ngoài mà trễ hẹn”. Ca sĩ Thanh Duy, diễn viên Huỳnh Lập, diễn viên Don Nguyễn, ca sĩ Miko Lan Trinh cũng lên tiếng.
Diễn viên trẻ Kim Đào thì viết: “Em tưởng đâu họ chỉ dám đối xử vậy với tụi em. Anh chị lớn cũng bị. Thiệt là…”. Một nickname khác viết: “Chị cứ nghĩ thí sinh tham gia các chương trình mới bị vậy… dè đâu… công ty lớn mà tánh kỳ…”.
Được biết, từ nhiều năm qua, việc các nhà sản xuất phim truyền hình tư nhân, các công ty truyền thông làm chương trình truyền hình tư nhân tìm cách giằng dai không trả cát-xê cho nghệ sĩ khi đến hạn, trả nhỏ giọt, hoặc quịt luôn cát-xê đã trở thành vấn nạn của các nghệ sĩ. Rất nhiều trường hợp tố cáo ra báo chí hay kiện ra tòa về các trường hợp này đã xảy ra. Ý kiến của một nghệ sĩ lâu năm trong nghề về việc này là nếu công ty quá khó khăn, nghệ sĩ cũng cần thông cảm cho họ trả chậm một chút. Nhưng nếu công ty quá chây ì, hoặc tìm cách quịt cát-xê nghệ sĩ thì cần làm tới nơi vì cát-xê là mồ hôi nước mắt, là chén cơm manh áo của nghệ sĩ không thể bỏ qua được. Nếu để ồn ào ra dư luận, thiệt hại trước hết, nhiều nhất thuộc về nhà sản xuất vì sẽ tạo sự không tin tưởng cho đối tác làm ăn lâu dài ở những dự án sau, hay bị nghệ sĩ không tin tưởng, không hợp tác.
Nguyên văn status của Đại Nghĩa: “Mới sáng mà phải đanh giọng để đòi nợ hai chương trình. Một nơi thì chương trình mùa trước đã phát sóng xong từ lâu, giờ đang quay mùa sau mà vẫn chưa thanh toán hết catse của mùa trước. Tờ hợp đồng với điều khoản thời hạn thanh toán như viết vô cho vui vậy thôi. Đã rất thông cảm thậm chí thiếu điều muốn năn nỉ làm ơn thanh toán cho tui số tiền công sức mà tui xứng đáng được hưởng. Vậy mà mọi việc vẫn diễn ra theo ý bên đó, tức là khi nào có hoặc khi nào thích thì trả, còn không thì cứ đợi. Biện pháp cuối cùng: nếu không thanh toán đủ thì ngày quay tới tui sẽ không có mặt, vậy thôi.
Rồi một nhãn hàng đã kết thúc công việc với họ lâu rồi mà vẫn chưa thanh toán. Nhắc hoài cũng ngại miệng mà không nhắc thì họ cũng không ngại với việc chậm thanh toán. Lý do là...sếp đi đâu đó chưa về để giải quyết. Đây là cái lý do nó sơ đẳng và nó buồn cười nhất của các công ty trong việc chậm thanh toán. Ông bà sếp gì đó rất biết canh thời điểm để đi vắng. Thử những nghệ sĩ mà chậm tiến độ công việc một ngày hay sai lệch giờ giấc trong công việc chút coi thì mấy sếp đó có bận dữ vậy không? Mà cứ hễ đến lúc phải trả tiền thì các sếp cứ đi đâu đó mà mấy bà kế toán không biết được”.