Địa bàn các em đi lao động tập trung ở các tỉnh phía nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...
Huyện Lắk là một trong những huyện có nhiều trẻ em bỏ học đi lao động. Ông Lê Đình Nhi, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lắk, cho biết: “Tình trạng học sinh bỏ học đi làm ăn xa đang có chiều hướng gia tăng, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Lắk đã có 59 em bỏ nhà đi lao động ngoài tỉnh. Các em bỏ học đi làm ăn xa phần lớn là thông qua các đối tượng môi giới hưởng hoa hồng với thủ đoạn tinh vi”.
Tại huyện Krông Pắc, tỉ lệ trẻ em bỏ học đi làm ăn xa cũng khá cao. Chỉ riêng xã Ea Yieng đã có trên 30 em học sinh đang học bậc tiểu học, trung học bỏ học đi lao động ở các tỉnh phía nam.
Sau một năm đi lao động ở TP.HCM, em H’P (buôn Năm Pă, xã Yang Tao, huyện Lắk) về lại buôn làng và sinh con (đang ẵm trên tay) nhưng không rõ cha của đứa trẻ là ai. Ảnh: T.TÍN
Đã từng có nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bỏ học đi làm ăn xa nhà và gặp những nguy cơ xấu. Chẳng hạn như em H’P (16 tuổi) trú tại buôn Năm Pă, xã Yang Tao, huyện Lắk. Năm 2014 em bỏ nhà đi may gia công cho một chủ cơ sở may ở TP.HCM, đến tết Nguyên đán năm 2015, em trở về nhà ăn tết thì đã mang thai được bảy tháng và đến nay đã sinh con nhưng không rõ cha của đứa bé là ai. Cùng buôn này còn có em H’N (15 tuổi) đi lao động ở xa nhà, khi về cũng trong tình trạng mang thai được bốn tháng, không rõ cha của đứa bé là ai.
Theo như chia sẻ của em H’P, khi đến ở trọ để may đồ gia công tại TP.HCM, các em phải làm việc vất vả, sống trong cảnh chật chội, khi ngủ thì cả nam và nữ ngủ chung với nhau.
Đại tá Đoàn Quốc Thư, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Trẻ em của tỉnh bỏ nhà đi lao động chủ yếu là ở các TP lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Vì xa gia đình nên các em không có được sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ của gia đình, do vậy dễ bị tác động tiêu cực từ môi trường xung quanh, nguy cơ tiềm ẩn về bị xâm hại như bị bắt cóc, bị xâm hại tình dục, bị ép buộc lao động cưỡng bức”.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị số 07 về việc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em bỏ học đi lao động sớm. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nắm bắt thông tin và tuyên truyền về những nguy cơ trẻ em có thể gặp phải khi đi làm ăn xa, hỗ trợ điều kiện cho các em đến trường trở lại. Mới đây, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cũng đã đến làm việc trực tiếp với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM để bàn phương án giải quyết tình trạng trẻ em của tỉnh này bỏ học đi lao động tại TP.