Ngày 7-9, Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội nhà báo tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 8-2023.
|
Ông Phan Thanh Hải cung cấp thông tin tại hội nghị giao ban báo chí tháng 8-2023. Ảnh: VŨ LONG |
Ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết hiện nay ngành đang thiếu giáo viên, nhân viên trầm trọng. Thời gian qua, Sở đã tham mưu, trực tiếp tìm các giải pháp về thực trạng này.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cho rằng thiếu giáo viên gây trở ngại, khó khăn cho việc dạy và học ở địa phương, đặc biệt là ảnh hưởng đến nhiệm vụ thực hiện Chương trình giáo dục năm 2018.
“Hiện nay, ngành giáo dục tỉnh được giao biên chế không đủ so với định mức. Nếu có biên chế nhưng không tuyển được nguồn, nhất là ở các môn đặc thù như môn tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc”, ông Phan Thanh Hải nêu nguyên nhân thiếu giáo viên ở địa phương.
Trước những khó khăn đó, Sở GD&ĐT đã rà soát lại toàn bộ, phân cấp ở các bậc, để làm sao phân công giáo viên giảng dạy phù hợp nhất. Không để thực trạng thừa thiếu cục bộ.
“Chúng tôi đã điều chuyển một số giáo viên nơi thừa đưa sang nơi thiếu. Tăng cường đội ngũ giáo viên dạy liên cấp đối với một số môn học như tin học, ngoại ngữ, mĩ thuật. Bởi vì, với trình độ chuyên môn đó có thể tăng số tiết cho giáo viên ở các cấp khác nhau.
Nhằm hóa giải cho thực trạng thiếu biên chế hiện nay, Sở GD&ĐT đã thực hiện hợp đồng với giáo viên theo Nghị định số 111 của Chính phủ.
Sở Nội vụ cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình dự thảo để thông qua HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để giải quyết thực trạng thiếu biên chế trong ngành giáo dục”, ông Phan Thanh Hải nói.
Ông Phan Thanh Hải cho biết hiện nay ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đang thiếu 1.021 giáo viên, nhân viên trải đều ở bốn cấp học.
Bước vào năm học mới, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư gần 269 tỉ đồng để xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa trường học.
Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu đổi mới hiện nay.
Tỉ lệ kiên cố hóa trường, lớp học còn thấp so với nhu cầu, nhất là các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phòng học và các phòng chức năng phục vụ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học còn thiếu so với yêu cầu đặt ra.
Cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, hư hỏng; nhiều điểm trường chưa có nguồn nước đảm bảo hợp vệ sinh, tỷ lệ nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên chưa đạt chuẩn còn cao.
Do đó, Sở GD&ĐT kính đề nghị với Bộ GDĐT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ ưu tiên phân bố kinh phí, trang thiết bị từ các Chương trình mục tiêu quốc gia.