Trong dự thảo này nêu rõ các nguyên tắc, quy tắc ứng xử chung của cán bộ, chiến sĩ CAND; quy tắc ứng xử khi thực hiện chức trách; ứng xử trong nội bộ, trong quan hệ xã hội và với môi trường tự nhiên.
Đặc biệt, dự thảo nêu hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm đối công an khi giao tiếp, làm việc với nhân dân như: Không gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt người dân; không hẹn gặp người dân giải quyết công việc bên ngoài cơ quan và ngoài giờ làm việc; không lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao làm sai lệch hồ sơ…
Thực ra nhiều quy định trong dự thảo là sự hệ thống hóa, cụ thể hóa “6 điều Bác Hồ dạy CAND”; “5 lời thề danh dự” và “10 điều kỷ luật của CAND” mà bất kỳ chiến sĩ, lãnh đạo công an nào cũng thuộc nằm lòng và thực thi hằng ngày.
Trên thực tế, các cán bộ, chiến sĩ công an có các hành vi không đúng mực khi giao tiếp, ứng xử đã, đang và sẽ bị kỷ luật theo quy định của ngành và quy định chung của pháp luật.
Tuy nhiên, các nội quy, điều lệ, quy định lâu nay mà ngành công an áp dụng để xử lý, kỷ luật cán bộ, chiến sĩ vi phạm nằm rải rác ở rất nhiều văn bản riêng của ngành cũng như các văn bản pháp luật chung và người dân không dễ và không thể nắm bắt hết. Vì vậy, khi không hài lòng về thái độ, ứng xử, giao tiếp... của cán bộ, chiến sĩ công an, người dân không dám chắc là thái độ của người thực thi công vụ có đúng mực, có vi phạm gì hay không nên đã bỏ qua. Vô hình trung hành vi sai của chiến sĩ sẽ không được chấn chỉnh kịp thời.
Pháp điển hóa những nội quy, điều lệ, quy định riêng của ngành thành thông tư sẽ thành nguyên tắc xử sự chung để mọi người dân đều nắm bắt là một bước tiến quan trọng, hiện thực hóa nguyên tắc giám sát của nhân dân với lực lượng công an. Cách khác, một khi thông tư nêu trên được ban hành, người dân sẽ có công cụ để đối chiếu, so sánh những hành vi không đúng của công an. Mặt khác, điều này còn giúp bản thân cán bộ, chiến sĩ CAND có cách hành xử đúng mực, tốt hơn trong công việc cũng như giao tiếp xã hội.
Thông tư sẽ là công cụ, bước tiến quan trọng trong việc giám sát toàn dân với riêng lực lượng công an.