Sinh thời Bác Hồ từng khái quát rằng “CNXH là làm sao cho dân giàu, nước mạnh”. Người cũng nói “Muốn có CNXH thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất... Tất cả chúng ta, ở bất kỳ cấp nào, ngành nào đều phải góp sức làm cho sản xuất phát triển”. Vì vậy, làm sao để cho dân giàu, đây vừa làm nhiệm vụ, vừa là mục tiêu của Đảng ta, với vai trò là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Và đó cũng là động lực to lớn nhất để phát triển đất nước, tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu này, suốt trong thời gian qua, Đảng ta đã không ngừng đổi mới đường lối về kinh tế, đưa ra nhiều chủ trương, chính sách tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để hình thành các thể chế liên quan, nhất là hệ thống pháp luật khuyến khích người dân làm giàu một cách chính đáng. Và trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, toàn diện hiện nay, khi nền kinh tế sẽ đón nhận nhiều cơ hội đồng thời đối mặt với không ít thách thức thì nhiệm vụ “làm sao cho dân giàu” trong giai đoạn tới đây càng phải được đặt ra một cách khẩn thiết. Muốn thế là phải làm sao để kích thích dân làm giàu, tạo điều kiện cho dân làm giàu và bảo vệ thành quả làm giàu chính đáng của người dân.
Theo đó, cần tôn vinh thực sự những người làm giàu chính đáng, ghi nhận một cách công tâm những đóng góp của họ trong việc tạo ra của cải, vật chất cho xã hội; khuyến khích cái mới, sáng tạo, để cả xã hội năng nổ làm giàu. Đồng thời phải hình thành một cơ chế thông thoáng, gỡ bỏ những vướng trở trong môi trường đầu tư; những cản lực không phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để người dân hăng hái làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Và trên hết phải có những cam kết rõ ràng để bảo vệ những thành quả mà người dân làm được, tạo niềm tin cho cả xã hội cống hiến.
MẠNH LÊ