Đã nhiều năm nay, người dân huyện Nhà Bè (TP.HCM) phải đối mặt với nguy hiểm khi hằng ngày di chuyển qua bốn cây cầu sắt cũ nát nối từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến tiếp giáp huyện Cần Giuộc (Long An). Bốn cây cầu này lần lượt là Rạch Đỉa, Long Kiển, Rạch Tôm và Rạch Dơi.
Phải đi vì không còn đường nào khác
Theo ghi nhận của chúng tôi, những cây cầu sắt này có tuổi đời trên dưới 60 năm. Cầu có quy mô nhỏ lại qua sử dụng lâu nên xuống cấp nghiêm trọng. Trụ cầu, bệ đỡ bê tông nghiêng ngả, những thanh thép, hành lang bảo vệ lưới thép, mặt nền cầu đều đã rỉ sét, mòn, gãy… Nhiều mối hàn, ốc vít đã biến mất khiến mỗi khi có phương tiện đi qua, các thanh sắt lại rung lên bần bật. Bề rộng của cầu chỉ đảm bảo cho một chiếc xe ba gác hoặc một chiếc xe hơi nhỏ qua cầu, vì thế các phương tiện phải xếp hàng mới được đi qua. Chính vì vậy, cứ giờ cao điểm là bốn cây cầu đều kẹt cứng.
Đó là chưa kể tuyến đường thủy cũng gặp khó khăn khi di chuyển qua cầu do tĩnh không cầu thấp, dễ xảy ra tai nạn. Cả bốn cây cầu đều không còn đảm bảo về độ an toàn, nhu cầu đi lại của người dân trong khi đều nằm trên con đường huyết mạch Lê Văn Lương nối liền nhiều địa phận. Điều này gây bất tiện lớn cho số đông người dân ở đây.
Anh Ngô Văn Hai (Nhơn Đức) mỗi ngày phải đi qua ba trong số bốn cây cầu trên tỏ ra lo lắng: “Do mặt cầu quá hẹp, tôi phải dắt bộ mỗi khi kẹt xe hoặc trời mưa khiến mặt cầu trơn trượt, vài chỗ lan can cầu đã mất khá nguy hiểm. Cầu rất hay kẹt nên công việc của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Ông Huỳnh Văn Bảy (Phước Kiển), một trong những hộ dân đồng ý di dời để xây dựng cầu mới, cho biết: “10 năm trước chúng tôi đã nhận tiền bồi thường của dự án xây mới cầu Long Kiển nhưng đến nay cầu vẫn chưa thi công. Không biết đến bao giờ mới có cầu mới để bà con không phải hồi hộp mỗi khi qua cầu”.
Cầu Long Kiển bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Đ.TRANG
Sẽ xây cầu lần lượt
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch xã Phước Kiển, cho biết đường Lê Văn Lương có bốn cầu sắt thì cả bốn đều đã xuống cấp nặng. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng xe đông dẫn đến hạ tầng không đáp ứng kịp. Hiện nay, đến giờ cao điểm xã phải cho người xuống để phân luồng giao thông, đồng thời phối hợp với Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4) để kiểm tra, duy tu và sửa chữa cầu, đảm bảo an toàn cho người dân.
Trong khi đó, theo Sở GTVT, bốn cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương khổ cầu chỉ rộng 3-3,3 m và không có lề bộ hành. Do các công trình mang tính chất tạm thời nên khả năng chịu lực của toàn kết cấu cầu không cao. Để đảm bảo an toàn, Khu 4 đã tăng cường sửa chữa, duy tu bốn cây cầu này nhằm bảo đảm khả năng chịu lực, đồng thời gắn thêm tám camera để quan sát, theo dõi các phương tiện sà lan, tàu thuyền qua lại trên sông; bố trí chốt trực gác của Công ty TNHH MTV Công trình cầu phà TP để điều tiết giao thông, xử lý các sự cố phát sinh.
Kế hoạch xây mới các cầu cũng đã có. Đối với cầu Long Kiển, UBND TP.HCM (TP) đã phê duyệt điều chỉnh dự án hồi tháng 1 với tổng mức đầu tư hơn 557 tỉ đồng; cầu Rạch Đỉa cũng được TP phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 9 với tổng mức đầu tư hơn 512 tỉ đồng. Cả hai dự án cầu Long Kiển, Rạch Đỉa dự kiến sẽ được hoàn thành trong 16 tháng kể từ ngày nhận mặt bằng từ huyện Nhà Bè (hiện khu vực trên đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng).
Riêng cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi, năm 2016 có nhà đầu tư đề xuất TP được nghiên cứu dự án xây dựng hai cây cầu này cùng với việc mở rộng đường Lê Văn Lương theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Tuy nhiên, mới đây TP đã chỉ đạo tạm dừng thảo luận, đàm phán các dự án BT để chờ quy trình mới của Chính phủ.
Tiến độ cầu Long Kiển bị chậm vì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn, cộng thêm thiết kế kỹ thuật của cầu có thay đổi, cần phải chỉnh sửa. Hiện Khu 4 đang phối hợp với Ban bồi thường GPMB huyện Nhà Bè thực hiện công tác GPMB theo ranh dự án được duyệt, UBND huyện Nhà Bè sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi thường GPMB trong sáu tháng kể từ ngày nhận ranh GPMB. |