Tôi thường đăng ảnh chụp màn hình tin nhắn của tôi và bạn bè lên mạng xã hội để làm kỷ niệm. Xin hỏi hành vi này có ảnh hưởng đến quyền riêng tư của đối phương và vi phạm pháp luật không?
Bạn đọc Ngân Trần (TP.HCM)
Luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM trả lời:
Tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và điều 38 BLDS quy định bí mật đời tư là quyền được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận, trong đó có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Theo đó, mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. Bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Đối với việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật...
Như vậy, việc đọc tin nhắn rồi chụp màn hình tin nhắn đăng trên Facebook nhưng chưa được người trong cuộc trao đổi đồng ý là một trong những hành vi xâm phạm quyền bí mật đời tư và vi phạm pháp luật.
Căn cứ theo khoản 3 điều 102 nghị định 15/2020 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử), trường hợp cố tình thu thập tin nhắn, email mà không được sự đồng ý, người vi phạm có thể bị phạt hành chính với mức phạt lên đến 20 triệu đồng khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại Điều 159 về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác quy định trường hợp có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.