Vừa qua, VKSND Tối cao đã có tờ trình Đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) về hình sự gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Luật Tương trợ tư pháp có nhiều bất cập, hạn chế
Theo VKSND Tối cao, Luật TTTP năm 2007 đang điều chỉnh cả 4 lĩnh vực là TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Điều này dẫn đến trong thực tiễn thực hiện còn có những bất cập, hạn chế.
Báo cáo số 248 ngày 8-8-2023 của Bộ Tư pháp về rà soát Luật TTTP và nghiên cứu khả năng tách Luật TTTP đã chỉ ra 6 điểm bất cập, hạn chế này, cụ thể:
(1) Luật TTTP 2007 điều chỉnh cả 4 lĩnh vực, nhưng những lĩnh vực này mang tính chuyên ngành cao, có sự khác nhau lớn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, tính chất và nguyên tắc hợp tác.
(2) Trong từng lĩnh vực, các nội dung như chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu TTTP cũng hoàn toàn độc lập và khác nhau.
(3) Tại thời điểm ban hành, Luật TTTP 2007 điều chỉnh đa lĩnh vực do trên cơ sở kế thừa (về kỹ thuật lập pháp) các Hiệp định TTTP Việt Nam đã ký kết với nước ngoài tại thời điểm đó đều là các Hiệp định điều chỉnh đa lĩnh vực; nhu cầu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp chưa cao; các vụ việc đòi hỏi nhu cầu hợp tác chưa nhiều. Vì vậy, việc xây dựng các luật riêng điều chỉnh cho từng lĩnh vực ở thời điểm đó chưa thực sự cấp bách.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia ngày càng gia tăng, tạo nên xu hướng rõ nét và thường xuyên đòi hỏi hợp tác quốc tế tư pháp hình sự.
Báo cáo dẫn chứng chỉ riêng lĩnh vực TTTP về hình sự, nếu trong năm 2008 Việt Nam chỉ gửi 1 yêu cầu cho nước ngoài, thì năm 2022 đã gửi 369 yêu cầu đề nghị nước ngoài hỗ trợ thực hiện.
Đồng thời, đến thời điểm hiện nay thì việc đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế trong 4 lĩnh vực nói trên đã được tách thành các điều ước quốc tế độc lập. Do đó, việc tách Luật TTTP thành 4 luật độc lập, giao nhiệm vụ cho các cơ quan đầu mối trong từng lĩnh vực cũng phù hợp, tạo sự liên thông, đồng bộ giữa pháp luật trong nước và điều ước quốc tế trong các lĩnh vực này.
(4) Một số quy định của Luật TTTP được ban hành cách đây đã 15 năm không còn phù hợp với các đạo luật mới khiến Luật TTTP còn thiếu gắn kết và chưa đồng bộ với pháp luật tố tụng trong nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết kịp thời các vụ việc dân sự và các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài.
(5) Luật TTTP chưa đáp ứng yêu cầu mới do sự phát triển trong từng lĩnh vực. Do đó, quy trình và thủ tục thực hiện TTTP trong từng lĩnh vực cần được hoàn thiện, chi tiết, cụ thể để tạo thuận lợi cho việc thực hiện.
(6) Về cơ bản các chi phí thực hiện yêu cầu giữa Việt Nam và nước ngoài trong cả 04 lĩnh vực theo quy định của Luật TTTP sẽ do nước yêu cầu chi trả. Tuy nhiên, xuất phát từ tính ưu việt của việc có điều ước quốc tế so với việc phải thực hiện qua kênh ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại, các bên ký kết sẽ không thu phí thực hiện yêu cầu của nhau hoặc chi phí phát sinh tại lãnh thổ của bên nào thì bên đó chi trả (không bắt buộc bên yêu cầu phải chịu).
Do đó, quy định tại Luật TTTP gây vướng mắc cho việc ký kết điều ước quốc tế, khi đó cơ quan đề xuất ký kết phải giải trình vì xét về bản chất nội dung này chưa thực sự phù hợp với pháp luật Việt Nam.
“Để giải quyết những bất cập, hạn chế nêu trên, việc tách Luật TTTP thành 4 luật độc lập điều chỉnh từng lĩnh vực TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù là thật sự cần thiết”- tờ trình nêu rõ.
Đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Cũng theo tờ trình, ngày 30-1-2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Tư pháp về việc sửa đổi Luật TTTP 2007 theo hướng xây dựng các luật riêng gồm Luật TTTP về dân sự, Luật TTTP về hình sự, Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
Tuy nhiên, việc trình dự án luật được lùi lại theo ý kiến của Thủ tướng.
Sau đó, trên cơ sở Báo cáo rà soát Luật TTTP và nghiên cứu khả năng tách Luật TTTP của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ có Công văn ngày 19-8-2023 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nhất trí với đề xuất của Bộ Tư pháp về việc tách Luật TTTP thành 4 luật riêng điều chỉnh từng lĩnh vực khác nhau và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật TTTP hình sự để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.