Hoạt động tương trợ tư pháp góp phần bảo hộ công dân bị điều tra ở nước ngoài

(PLO)- Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự góp phần thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị bắt, điều tra, truy tố, xét xử ở nước ngoài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-9, Hội thảo tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đã được tổ chức tại TP Đà Nẵng.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13 VKSND Tối cao) cho biết, qua 14 năm thi hành Luật tương trợ tư pháp, VKSND Tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 2.301 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện. Trong đó có 80 yêu cầu gửi đến các quốc gia châu Phi.

Các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự liên quan đến các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Việt Nam chiếm khoảng 75%.

Phạm vi yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự khá đa dạng, trong đó yêu cầu về thu thập, cung cấp chứng cứ, lấy lời khai, xác minh lý lịch tư pháp chiếm 86,5%.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: T.AN

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: T.AN

Nội dung các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tội phạm. Trong đó có những tội phạm nghiêm trọng như: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người (giết người, hiếp dâm, mua bán người…), tội phạm xâm phạm sở hữu (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản), các tội phạm chức vụ (tham ô), tội phạm kinh tế, tội phạm về ma túy...

Cùng thời gian này, VKSND Tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 1.148 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, trong đó có bốn yêu cầu đến từ các quốc gia châu Phi.

Các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài có nội dung liên quan đến việc thu thập, cung cấp chứng cứ, lấy lời khai, xác minh chiếm 47,2%; yêu cầu tống đạt tài liệu, giấy tờ chiếm 30,9%; yêu cầu chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự chiếm 12.9% và yêu cầu khác chiếm 9%.

Theo Vụ 13, kết quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự đã có tác động hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giải quyết triệt để các vụ án có yếu tố nước ngoài. Trong đó có nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, được dư luận quan tâm, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Đáng chú ý, hoạt động này còn góp phần thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị bắt, điều tra, truy tố, xét xử ở nước ngoài. Điển hình là hoạt động tương trợ liên quan đến công dân Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết, bị tòa án cấp sơ thẩm Malaysia tuyên phạt tử hình về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đối với vụ án này, VKSND Tối cao đã tích cực thu thập, cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan tố tụng có thẩm quyền và luật sư ở Malaysia, đồng thời chủ trì tổ chức 2 đoàn công tác liên ngành đến tham dự phiên tòa tại Malaysia với tư cách người làm chứng.

Bà Vũ Thị Hải Yến (Vụ trưởng Vụ 13, VKSND Tối cao) tại hội thảo. Ảnh: T.AN

Bà Vũ Thị Hải Yến (Vụ trưởng Vụ 13, VKSND Tối cao) tại hội thảo. Ảnh: T.AN

Ngày 28-3-2016, với những chứng cứ được cung cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và lời khai tại phiên tòa của các điều tra viên Việt Nam, Tòa án Liên bang Malaysia đã quyết định không áp dụng hình phạt tử hình và xử phạt 20 năm tù đối với Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Cũng theo Vụ 13, qua 14 năm triển khai Luật tương trợ tư pháp, công tác tương trợ tư pháp về hình sự đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc triển khai thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự thường mất nhiều thời gian, trong khi việc giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự phải tuân thủ thời hạn luật định.

Việc chậm hoặc thậm chí không có kết quả thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự. Một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Nhà nước và uy tín của cơ quan tư pháp hình sự. Đây là khó khăn, vướng mắc phổ biến nhất trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm