Đằng sau tham vọng của TQ qua kênh đào khổng lồ kết nối ASEAN

(PLO)- Trung Quốc đang xây dựng một kênh đào nhân tạo khổng lồ trị giá tỉ USD với tham vọng kết nối vùng nội địa tây nam nước này với khu vực Đông Nam Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo tờ Nikkei Asia, Trung Quốc (TQ) đang tiến hành xây dựng kênh đào nhân tạo Bình Lục ở phía tây nam nước này với tổng mức đầu tư lên đến 72,7 tỉ nhân dân tệ (khoảng 10,3 tỉ USD) nhằm tăng cường khả năng vận chuyển hàng hóa cùng với các đường cao tốc và đường sắt hiện có.

Khung cảnh kênh đào nhân tạo Bình Lục. Ảnh: cnr.cn

Khung cảnh kênh đào nhân tạo Bình Lục. Ảnh: cnr.cn

Giá trị kinh tế to lớn

Kênh đào Bình Lục được TQ chính thức khởi công vào tháng 8 năm ngoái, chạy dài 134 km từ hồ chứa nước Tây Tân gần thủ phủ Nam Ninh của tỉnh Quảng Tây đến cảng Khâm Châu ở phía nam của nước này. Ước tính kênh đào Bình Lục có thể đón các tàu chở hàng với trọng tải lên tới 5.000 tấn.

Theo các quan chức TQ, ước tính khoảng 340 triệu mét khối đất và đá, gấp ba lần khối lượng để xây dựng đập Tam Hiệp, sẽ bị dời đi. Ông Lý Hiểu Tường, quan chức TQ tham quan công trường, nói rằng: “Công việc xây dựng đang được tiến hành 24/24 để kịp hoàn thành tiến độ vào năm 2026”.

Giới chức TQ cũng cho biết sau khi hoàn thành, kênh đào sẽ rút ngắn khoảng cách vận chuyển từ hệ thống sông nội địa ra biển lên tới 560 km, giúp nước này tiết kiệm 5,2 tỉ nhân dân tệ hàng năm.

Theo các chuyên gia, dự án kênh đào Bình Lục cho thấy Bắc Kinh đang dần chuyển trọng tâm từ đường bộ sang tăng cường kết nối hàng hải cho Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ông Dương Giang, chuyên gia TQ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, nhận định động thái trên của TQ là "khá mới mẻ", đồng thời lưu ý rằng kênh đào Bình Lục nằm trong chiến lược phát triển TQ thành một quốc gia với hệ thống giao thông mạnh mẽ được đề ra vào năm 2019.

Được đánh giá là một cửa ngõ thuận tiện, kết nối kinh tế với khu vực Đông Nam Á, kênh Bình Lục hứa hẹn sẽ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp ở tỉnh Quảng Tây và các khu vực tương đối kém phát triển khác ở phía tây TQ.

Tính toán địa chính trị

Mặc dù lợi ích kinh tế do kênh đào Bình Lục mang lại là không thể bàn cãi, song nhiều nhà quan sát nhận định các yếu tố địa chính trị đang phủ bóng lên tuyến đường thủy này.

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang tìm cách giảm phụ thuộc thương mại với TQ thể hiện qua tuyên bố của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) vào tháng trước, TQ cũng đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào chính nước này.

Báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) hồi tháng 3 nhận định cả hai đều "có chung nỗi sợ hãi rằng bên kia sẽ vũ khí hóa các dòng chảy thương mại như cấm xuất, nhập khẩu dưới cái mác an ninh. Do đó, mỗi bên đều đang cố gắng đa dạng hóa quan hệ”.

Với nghĩa đó, kênh đào Bình Lục nhằm mục đích thúc đẩy thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - cả hai bên đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đáng chú ý, cả TQ và ASEAN hiện nay đều là những bạn hàng lớn nhất của nhau với thương mại hai chiều tăng 52% từ năm 2019 đến năm 2022.

Điểm cuối của kênh đào Bình Lục là cảng Khâm Châu (TQ). Ảnh: ALAMY

Điểm cuối của kênh đào Bình Lục là cảng Khâm Châu (TQ). Ảnh: ALAMY

Bên cạnh việc giảm sự phụ thuộc của TQ vào các nước phương Tây, nhiều chuyên gia nhận định tăng cường quan hệ kinh tế với các nước ASEAN sẽ giúp điều chỉnh những khác biệt, xoa dịu căng thẳng trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia này.

Ngoài ra, chuyên gia Dương cho biết những bài học về đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy giới chức TQ tăng cường cơ sở hạ tầng vận chuyển. Lệnh phong toả nghiêm ngặt ở TQ đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng do đa phần hoạt động hậu cần tập trung tại các cảng trọng điểm trên bờ biển phía đông của nước này. Điều này thúc đẩy Bắc Kinh phát triển một số cảng ở những khu vực khác của TQ, trong đó có vùng tây nam.

Kênh đào nhân tạo Bình Lục còn là một phần trong nỗ lực đầy tham vọng của TQ nhằm tạo ra một hành lang nối đất liền và biển ở vùng tây nam nước này. Chính quyền tỉnh Quảng Tây nói rằng hành lang mới này đã giúp tăng tốc hoạt động hậu cần, chẳng hạn rút ngắn các chuyến hàng từ Trùng Khánh tới Singapore từ 22 ngày xuống còn 7 ngày.

Còn nhiều quan ngại

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về hiệu quả kinh tế mà kênh đào Bình Lục có thể đem lại. Theo nhà nghiên cứu Stephen Olson của Quỹ Hinrich (Singapore), nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng này là một điều đáng hoan nghênh, tuy nhiên, bản thân nó không thể tạo ra sức mạnh tổng hợp thương mại cũng như không giúp các ngành công nghiệp cạnh tranh ở ASEAN có năng lực sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu từ các nhà nhập khẩu TQ.

Việc xây dựng kênh đào Bình Lục nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường. Ảnh: TẬP ĐOÀN KÊNH ĐÀO BÌNH LỤC

Việc xây dựng kênh đào Bình Lục nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường. Ảnh: TẬP ĐOÀN KÊNH ĐÀO BÌNH LỤC

“Nền kinh tế TQ vốn đã lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ nền kinh tế nào trong ASEAN, do đó việc tạo ra đòn bẩy thương mại [như dự án trên] có thể dẫn đến các mối quan hệ thương mại không cân bằng và không bền vững” - ông Olson nói thêm.

Ngoài ra, dự án kênh đào Lục Bình còn phát sinh các mối lo ngại về vấn đề môi trường và tài chính. Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Giao thông vận tải, thuộc Bộ Giao thông vận tải TQ công bố năm ngoái, đã chỉ ra một loạt các tác động tới môi trường của dự án như hủy hoại môi trường sống tự nhiên, thay đổi hệ sinh thái của khu vực và thu hẹp thảm thực vật... Dù vậy nghiên cứu cũng nhấn mạnh tùy thuộc vào tuyến đường, các rủi ro nên "có thể kiểm soát được".

Bên cạnh đó, số vốn khổng lồ của dự án kênh đào Bình Lục được đưa ra trong bối cảnh nước này đang gặp một số khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm