Dẫn lời một số quan chức quốc phòng và chính phủ, đài ABC của Úc hôm 24-6 đưa tin cơ sở cảng mới sẽ được xây dựng ngoại ô thành phố Darwin, thủ phủ của bang Lãnh thổ phía Bắc, từng được một công ty năng lượng và cơ sở hạ tầng Trung Quốc thuê hồi năm 2015.
Cảng Darwin đã bao gồm các cơ sở quân sự và tiếp đón các tàu Mỹ đến thăm Úc.
Cảng mới có thể tiếp nhận các tàu chiến đổ bộ cỡ lớn như tàu trực thăng đổ bộ của Úc và các tàu Mỹ như USS Wasp vừa thăm thành phố Sydney, ABC cho biết.
Các chuyên gia cho biết cảng mới sẽ rất thuận tiện cho hơn 2.000 lính thủy đánh bộ Mỹ và thiết bị của họ trong các đợt luân chuyển thường xuyên trong khu vực.
“Người Mỹ rõ ràng không rút khỏi Ấn Độ-Thái Bình Dương, cho dù đó là vì sự cạnh tranh chiến lược của họ với Trung Quốc hay trên bình diện chung”, chuyên gia Rory Medcalf thuộc Đại học Quốc gia Úc nói.
Cảng mới cũng sẽ bao gồm các hoạt động thương mại và công nghiệp bên cạnh các cơ sở dành cho những hoạt động quân sự.
Theo bản tin của ABC, các quan chức sẽ công bố kế hoạch này trong vài tuần tới.
Mỹ và Úc đã và đang tăng cường sự hiện diện quân sự của họ trên khắp phía tây Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong khuôn khổ nỗ lực trên, hai nước gần đây đã công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự chung trên đảo Manus của Papua New Guinea, phía đông bắc Úc.
Cảng Darwin của Úc. Ảnh: PRESS TV
Điều này diễn ra trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng khắp khu vực và trên thế giới, điều mà Mỹ từ lâu lo ngại.
Trong một báo cáo được công bố hồi tháng trước, Lầu Năm Góc cho rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc có thể giúp hải quân Trung Quốc tiếp cận các cảng nước ngoài được chọn để đặt trước sự hỗ trợ hậu cần cần thiết để duy trì việc triển khai hải quân ở vùng biển xa xôi như Ấn Độ Dương, Biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương.
Dự án nhằm mục đích liên kết Trung Quốc bằng đường biển và đất liền với Đông Nam và Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi, thông qua một mạng lưới cơ sở hạ tầng trên các tuyến của Con đường Tơ lụa cổ đại.