Việc quá cảnh của ba tàu chiến Trung Quốc tại Sydney (Úc) ngày 3-6 đã dấy lên nhiều suy đoán về ý định của Bắc Kinh trong bối cảnh có nhiều lo ngại xoay quanh ảnh hưởng của nước này ở khu vực nam Thái Bình Dương, theo tờ South China Morning Post.
Hãn tin CNN cho biết tàu đổ bộ hạng nặng Kunlun Shan, tàu tiếp vận hậu cần Louma Hu và tàu hộ vệ tên lửa Xuchang với tổng số 700 thuỷ thủ cập cảng Sydney sau chuyến tuần tra chống cướp biển ngoài khơi châu Phi. Nhiều học giả và người dân khá bất ngờ với chuyến thăm này, nghi vấn tại sao chính phủ không thông báo trước cho họ.
Hai tàu chiến của hải quân Trung Quốc tại Sydney, Úc. Ảnh: EPA
"Chuyến thăm của hải quân Trung Quốc có thể được định sẵn là một họat động ngoại giao, nhưng thực chất nó đã biến thành một thảm hoạ trong quan hệ công chúng đối với Bắc Kinh", học giả Trung Quốc tại ĐH Swinburne (Úc) John Fitzgerald cho biết, đồng thời lưu ý đến một số tranh cãi liên quan đến các tàu của Úc và Trung Quốc trước đây.
Trên tờ The Guardian, Thủ tướng Úc Scott Morrison lên tiếng trấn an, khẳng định đây là hoạt động đáp lễ chuyến thăm của tàu chiến Úc tới Trung Quốc.
"Đây chỉ là một minh chứng cho mối quan hệ của chúng ta. Điều này có thể khiến một số người ngạc nhiên nhưng đối với chính phủ thì không", ông Morrison phát biểu.
Theo GĐ điều hành của Viện chính sách chiến lược Úc Peter Jennings, chính phủ đã bất cẩn vì không thông báo với công chúng về chuyến thăm của hải quân nước ngoài.
Tuy nhiên, nghiên cứu sinh Collin Koh từ ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng việc không thông báo trước các chuyến thăm hải quân là điều bình thường, tuỳ thuộc vào những yếu tố như yêu cầu an ninh và kỳ vọng ở mỗi quốc gia.
"Một vài chuyến thăm sẽ được công bố rộng rãi trong khi một số thì không. Ngay cả đối với hải quân nước ngoài cũng thế. Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc vào hoàn cảnh chính trị xã hội của nước chủ nhà", ông Koh cho biết.
Ngoài ra, ông Koh còn nhận định rằng điều đáng chú ý nhất trong chuyến thăm này là nó đã chứng minh khả năng của Bắc Kinh trong việc thực hiện các họat động hải quân trên toàn cầu.
"Từ tháng 12-2018, hải quân Trung Quốc đã thực hiện nhiều chuyến đi dài trên toàn cầu như đến Baltic, Địa Trung Hải, vùng Caribe và Mỹ La-tinh. Vì thế, Bắc Kinh có thể đúc kết kinh nghiệm và quen dần với những nhiệm vụ kéo dài như vậy", ông Koh nói thêm.
Chuyến cập cảng diễn ra chỉ vài ngày sau vụ tàu chiến Trung Quốc hai lần bám đuôi tàu sân bay trực thăng HMAS Canberra trên Biển Đông trong tháng 5. Các trực thăng hải quân Úc gần đây cũng thường bị chiếu tia laser khi làm nhiệm vụ bay đêm ở Biển Đông, nhưng không rõ thủ phạm là ai.