Tại họp báo thường kỳ quý 3-2024 của Bộ Tài chính, tổ chức sáng 27-9, phóng viên đặt câu hỏi liên quan đến tác động của việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công và ngân sách nhà nước cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với nợ công quốc gia.
Trả lời, ông Lê Tiến Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho hay, Bộ Tài chính đang rất tích cực phối hợp cùng Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện báo cáo tiền khả thi và các thủ tục liên quan đến dự án để trình Quốc hội.
Để phục vụ đánh giá tác động đến nợ công, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và khả năng cân đối vốn không chỉ với dự án này mà còn với các dự án quan trọng quốc gia khác như dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP. HCM, lãnh đạo Bộ Tài chính đã tổ chức các cuộc họp giữa các đơn vị trong bộ.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ GTVT, Hà Nội và TP. HCM đề nghị đánh giá tác động nhu cầu vốn, cơ cấu nguồn vốn, phân kỳ dự án, tác động đến đầu tư công trung hạn của bộ, địa phương, gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo.
"Dự kiến trong tuần tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng sẽ họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đánh giá kỹ việc này", ông Dũng thông tin.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng về cơ sở hạ tầng trong thời gian tới. Dự án đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư, giao nhiệm vụ cho Chính phủ cùng các cơ quan của Chính phủ, trong đó có Bộ Tài chính, xây dựng phương án cụ thể để trình Quốc hội tại Kỳ họp sắp tới.
“Đây là dự án rất lớn nên đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Việc ngân sách nhà nước tham gia vào dự án chắc chắn sẽ tác động đến nợ công và cơ cấu nợ công trong thời gian tới. Với trách nhiệm được giao, chúng tôi sẽ bàn bạc, lên các phương án khác nhau để bảo đảm hai mục tiêu đồng thời. Thứ nhất, an toàn nợ công, an toàn tài chính quốc gia. Thứ hai, có phương án vốn khả thi để đáp ứng yêu cầu xây dựng dự án trên cơ sở chính trị”, Thứ trưởng nói.
Cụ thể, Thứ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ. Khi được Quốc hội phê chuẩn, sẽ có số liệu cụ thể về nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; tổng thể cùng với các dự án quan trọng khác và kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ xác định nợ công là bao nhiêu, an toàn tài chính quốc gia thế nào.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 9-2024), Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm.
Hiện, Bộ GTVT và các bộ, ngành, đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội.
Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.
Bộ GTVT đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp tháng 10.2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025 - 2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang – TP. HCM cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028 - 2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Theo tính toán của Viện Chiến lược và phát triển GTVT, trong quá trình xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao, cần nguồn lao động khoảng 263.700 - 332.300 người.
Trong đó, giai đoạn 2025 - 2030 cần khoảng 111.280 - 160.020 người; giai đoạn 2030 - 2040 cần khoảng 152.420 - 186.280 người và phần lớn phải có tay nghề cao.
Giải pháp với nguồn lao động trên là tuyển dụng thông qua đào tạo trong nước, liên kết và đào tạo ở nước ngoài.