Đây là quan điểm chung của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại hội thảo “Mở nút thắt để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững du Ủy ban Kinh Tế của Quốc hội; Câu lạc bộ các nhà công Thương tổ chức tại Hà Nội mới đây.
PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà công Thương Việt Nam, nhìn nhận hiên nay còn nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với một số mặt hàng. Thuế TTĐB là một trong những sắc thuế rất cần thiết của Nhà nước. Tuy nhiên, việc điều chỉnh một số mặt hàng chịu thuế TTĐB cần phải được tính toán, cân nhắc.
“Tôi lấy ví dụ, hiện nay chúng ta đang đưa những mặt hàng như cà phê, chè, nuớc ngọt… vào diện chịu thuế TTĐB; tất nhiên với lý giải, thuyết minh của Bộ Tài Chính cho rằng với những mặt hàng này cần định hướng người tiêu dùng, bởi trong chừng mực nhất định nó có tác động tới sức khỏe người tiêu dùng, tác động tới xã hội nói chung nhưng theo tôi cần tính toán cho kỹ” - ông Thanh chia sẻ.
Theo vị này, khi điều chỉnh sắc thuế, các cơ quan quản lý cần xem xét nó ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi tăng thuế TTĐB, đồng nghĩa giá hàng hóa sẽ bị đẩy lên.
Trong khi các mặt hàng đồ uống, nước ngọt, trà, cà phê là hàng hóa mang tính phổ biến rộng rãi, đối tượng tiêu thụ chủ yếu ở tầng lớp nhân dân lao động, có thu nhập không cao. Chắc chắn nếu tăng thuế sẽ tác động đến nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), đánh giá việc áp thuế TTĐB vào nước ngọt là chưa hợp lý. Vì theo ông, áp loại thuế này sẽ tạo ra ảnh hưởng cho các doanh nghiệp đang sản xuất mặt hàng này, đồng thời sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử trong ngành thực phẩm và nước giải khát.
Quan trọng hơn, theo ông Việt, đề xuất áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm nước ngọt khi chưa có những cơ sở biện chứng rõ ràng về tính hiệu quả của chính sách thuế này trong việc bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng là chưa hợp lý.
“Thực tiễn các quốc gia đã áp dụng đánh thuế TTĐB lên nước ngọt đã cho thấy việc đánh thuế này không có hiệu quả rõ rệt trong việc làm giảm tỉ lệ tiểu đường và thừa cân béo phì” - ông Việt cho hay.
Ông Việt cũng cho rằng khi tăng thuế TTĐB, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu. Người thu nhập cao ở có thể chấp nhận chi trả thêm vài ngàn đồng để mua đồ uống nhưng điều này không đơn giản đối với những người tiêu dùng thu nhập thấp, đặc biệt những người ở các vùng nông thôn đang phải khó khăn kiếm thêm vài ngàn đồng mỗi ngày.
Vì vậy, việc tăng thuế kéo theo giá sản phẩm tăng lên sẽ khiến những người thu nhập thấp khó có khả năng tiêu dùng các sản phẩm nước giải khát.