Năm 2018 đã đến. Đây là thời điểm rất nhiều người chờ đợi để được mua ô tô giá rẻ khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực các nước ASEAN vào Việt Nam về 0% so với mức 30% hiện nay, với điều kiện là tỉ lệ nội địa hóa của xe phải đạt từ 40%.
Chuẩn bị sẵn tiền mua ô tô
Các chủ đại lý cho biết nhiều khách hàng đã đặt mua xe từ trước đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc, còn xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng đã được khách đặt trước theo giá của năm 2018. Ông Quốc Định (nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ suốt mấy tháng nay anh thường xuyên cập nhật tin tức về thị trường ô tô, đồng thời đã chuẩn bị sẵn tiền và đặt trước mẫu xe với đại lý ô tô để đầu năm 2018 nhận xe.
“Chiếc Vios mà tôi đặt mua đã được đại lý thông báo giảm 48-58 triệu đồng theo bảng giá công bố từ năm 2018. Dù không giảm sâu như kỳ vọng của nhiều người nhưng giá rẻ hơn vậy cũng không uổng công kiên trì chờ đợi cả nửa năm trời” - ông Định nói vẻ hào hứng.
Không chỉ người mua chờ thuế giảm từ ngày 1-1-2018 mà cả các nhà nhập khẩu lẫn sản xuất, lắp ráp trong nước cũng ém hàng chờ đợi đến thời điểm này. Chính vì vậy, một lượng lớn ô tô nhập khẩu đã được các công ty nhập về cảng Việt Nam. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước (TP.HCM) cho hay hiện chỉ riêng tại cảng này có khoảng 1.700 chiếc ô tô loại dưới chín chỗ và xe bán tải đã về cảng, tăng gấp ba lần so với trước. Trong đó chủ yếu là xe bán tải của Ford, Mitsubishi và các xe hạng trung nhập từ Thái Lan, Indonesia.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thay vì làm thủ tục thông quan ngay, các nhà nhập khẩu chờ tới sau thời điểm 1-1-2018 mới tiến hành làm thủ tục để được hưởng thuế nhập khẩu là 0% từ năm 2018, thay vì mức 30% hiện nay, sau đó mới tung hàng ra thị trường.
Nhiều dòng xe cỡ nhỏ sẽ được hưởng lợi khi nhiều loại thuế giảm. Ảnh: QUANG HUY
Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc Công ty Ô tô Trường Thành, chia sẻ: Việc khách hàng lẫn nhà kinh doanh chờ đợi thuế giảm để nhập xe về Việt Nam là chuyện đương nhiên. Lý do là một chiếc xe nhập từ các nước ASEAN về Việt Nam có giá khai báo hải quan 10.000 USD, nếu mở tờ khai hải quan và được chấp nhận trước ngày 1-1-2018 sẽ có giá sau khi tính thuế là hơn 20.000 USD (giá xe tính thuế + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) + thuế giá trị gia tăng).
Nhưng từ ngày 1-1-2018 trở đi, giá trị xe sau khi tính thuế chỉ còn hơn 15.000 USD do thuế nhập khẩu về 0%. Như vậy giá xe giảm được khoảng 5.000 USD, tương đương hơn 100 triệu đồng. Khi đó các hãng xe sẽ có cơ hội giảm giá tốt nhất cho người tiêu dùng, kích thích sức mua.
“Thuế nhập khẩu giảm đối với xe nhập khẩu từ ASEAN thì Thái Lan, Indonesia… sẽ hưởng lợi nhiều nhất vì những nước này có nhiều mẫu xe đáp ứng tỉ lệ nội khối trên 40%. Khi các mẫu xe được hưởng thuế nhập khẩu 0% sẽ tác động đến giá xe chung của thị trường khiến các hãng xe khác buộc phải giảm theo, dù có thể không giảm nhiều như chờ đợi nhưng người tiêu dùng Việt Nam sẽ hưởng lợi. Do đó dự báo doanh số bán hàng ô tô từ đầu năm 2018 sẽ bùng nổ sau một thời gian dài chững lại” - ông Trường nhận định.
Giá ô tô sẽ giảm nhờ thuế TTĐB
Không chỉ thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN giảm về 0% mà Luật Thuế TTĐB có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018 cũng có nhiều điểm mới tác động đến thị trường ô tô. Theo đó, sắc thuế này sẽ giảm đối với các dòng xe cỡ nhỏ và tăng với các dòng xe có dung tích lớn hơn.
Cụ thể, các dòng xe sử dụng động cơ có dung tích xylanh trên 2.5-3 L sẽ áp dụng thuế suất 60%, so với mức hiện hành là 55%. Như vậy những dòng xe hạng sang sẽ tăng có khi cả trăm triệu đồng mỗi chiếc.
Ở chiều ngược lại, các mẫu xe du lịch từ chín chỗ trở xuống sử dụng động cơ có dung tích xylanh từ 2.0 L trở xuống sẽ được giảm thuế TTĐB. Ví dụ, các loại ô tô sử dụng động cơ có dung tích xylanh từ 1.5 L trở xuống áp dụng mức thuế TTĐB 35%, giảm 5% so với hiện hành. Nhờ mức điều chỉnh này, những người mua các dòng xe cỡ nhỏ sẽ được hưởng lợi.
Ông Phạm Minh Vũ, chủ một đại lý kinh doanh ô tô tại quận 1, TP.HCM, phân tích một số dòng xe có cơ hội giảm giá nhờ giảm thuế TTĐB cộng với thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm 30% và thuế nhập khẩu linh kiện cũng về 0%. Thực tế nhiều công ty sản xuất, lắp ráp ô tô đã tính toán và đưa ra mức giá xe trong năm 2018. Trong đó, hầu hết các mẫu xe cỡ nhỏ đều được điều chỉnh giảm giá.
Bằng chứng là thời gian qua nhiều hãng xe có thị phần lớn tại Việt Nam đã công bố giá xe trong năm 2018 với mức giảm tương đối lớn. Như Hyundai Thành Công tuyên bố giảm giá bán sớm cho mẫu xe cỡ nhỏ Hyundai Grand i10 với mức giảm 20-40 triệu đồng so với thời điểm hiện tại. Như vậy Hyundai Grand i10 sẽ có giá rẻ nhất từ 315 triệu đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đã giảm nhưng vẫn xa tầm tay
Bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách ô tô đã qua sử dụng Toyota, cũng cho hay Toyota Việt Nam đã chính thức thông báo giá bán lẻ mới cho năm 2018 áp dụng với các mẫu xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện nhập khẩu. Theo đó, giảm giá ở hầu hết các dòng xe từ 24 đến 58 triệu đồng/chiếc so với giá năm 2017.
“Thuế giảm, nhiều hãng xe sẽ đẩy mạnh tỉ lệ nội địa hóa để được hưởng ưu đãi thuế, đồng thời giá xe giảm buộc các hãng xe đua nhau giảm giá để cạnh tranh kích cầu, khi đó người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn, hưởng lợi nhiều dịch vụ, khuyến mãi tốt nhất” - bà Hiền nhận định.
1.000 người Việt, 16 người có ô tô Báo cáo nghiên cứu của Solidiance công bố hồi tháng 6-2017 cho thấy cứ 1.000 người Việt Nam mới có 16 người sở hữu ô tô. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia là 341 xe/1.000 dân, Thái Lan là 196 xe/1.000 dân và ngay cả đất nước đông dân như Indonesia cũng là 55 xe/1.000 dân. Có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ sở hữu xe hơi của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là giá ô tô tại Việt Nam vẫn cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Điều này là do Việt Nam đang áp mức thuế và phí cao để bảo vệ ngành ô tô nội địa. Hiện người mua ô tô đang phải trả đến ba loại thuế và năm loại phí khác nhau. |
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy tín hiệu tích cực về việc khơi dậy giấc mơ sở hữu ô tô trong tầm tay khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% thì một số chính sách mới được ban hành có thể khiến giấc mơ này xa hơn với không ít người tiêu dùng Việt. Chẳng hạn Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2017 về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh ô tô áp dụng từ năm 2018 với rất nhiều điều kiện khiến nhà nhập khẩu bó tay.
Đơn cử, nghị định trên quy định phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan tổ chức có thẩm quyền nước ngoài trước khi được thử nghiệm tại Việt Nam. Một số nhà nhập khẩu tính toán điều kiện này khiến mỗi xe gánh thêm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Nó không chỉ tạo gánh nặng cho nhà kinh doanh mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng vì sẽ tác động vào giá xe và tạo ra sự khan hiếm nguồn hàng.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng Việt Nam đã chấp nhận hội nhập thì phải chấp nhận cuộc chơi và đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết. Các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã được “trang bị” năng lực cạnh tranh bằng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện nên không việc gì phải tạo những quy định không phù hợp cho xe nhập. Khi tạo ra rào cản, tăng chi phí thì người tiêu dùng chịu thiệt. Chỉ có cạnh tranh thì người tiêu dùng mới có nhiều cơ hội sở hữu xe.
“Nước đến chân mới nhảy” sẽ phải bỏ cuộc chơi Ngoài mặt hàng ô tô, năm 2018 còn nhiều mặt hàng có thể cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo cam kết Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). Cụ thể, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế suất thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế. Những mặt hàng này bao gồm xe máy; phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy; thực phẩm; hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh; điều hòa; sữa và các sản phẩm từ sữa… Khi thuế về 0%, người dân sẽ được hưởng lợi vì được mua hàng giá rẻ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp phải áp lực cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm nhập khẩu. TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết đã được thông báo từ vài năm nên doanh nghiệp nào chuẩn bị năng lực cạnh tranh tốt sẽ tự tin hội nhập, còn những đơn vị yếu năng lực “nước đến chân mới nhảy” buộc phải rời cuộc chơi. Thực tế sản phẩm sữa của Việt Nam cũng đã bắt đầu thâm nhập thị trường ASEAN. Các ông lớn ngành sữa Việt Nam như Vinamilk, TH True Milk… đã chuẩn bị tốt các chiến lược cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải nhiều ngành làm được điều này. Như ngành đường từ năm 2018 dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu, đường Thái Lan giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường và có thể hạ gục nhiều nhà máy trong nước. Trái cây, thực phẩm Thái Lan cũng có thể sẽ tràn vào Việt Nam. |