Những ngày qua, sau khi kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM kết thúc (26-3), mạng xã hội lập tức lan truyền nội dung đáp án của toàn bộ 120 câu hỏi chính thức của đợt thi này.
Theo các hình ảnh lan truyền, đề thi dài 16 trang với 120 câu hỏi trắc nghiệm. Mã đề được giải đáp án là số 501. Đặc biệt, nội dung đáp án được giải và đóng dấu logo của một Hệ thống giáo dục tại từng câu trả lời. Được biết, đây là đơn vị chuyên tổ chức các khóa luyện thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng như ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngay sau khi đăng tải trên các group hội nhóm về kỳ thi đánh giá năng lực, nội dung này lập tức được lan truyền nhanh chóng, thu hút nhiều sự quan tâm, bày tỏ bức xúc của các thí sinh và cả giáo viên. Nhiều em cho rằng các câu hỏi trong bài đáp án này đúng với nội dung những câu mà các em đã thi trong đợt 1 vừa qua.
|
Một phần file đáp án đang được lan truyền. Ảnh: PVCMH |
Điều đáng nói là theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, sau khi làm bài trong 120 phút, thí sinh phải nộp lại tất cả các giấy tờ liên quan, gồm phiếu trả lời trắc nghiệm, đề thi và cả giấy nháp. Và ĐH Quốc gia TP.HCM cũng sẽ không công bố đề đã thi và đáp án liên quan.
Chiều 30-3, trả lời PLO về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM chưa ghi nhận được thông tin liên quan đến file đáp án của 120 câu hỏi thi đợt 1 nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ ghi nhận phản ánh và sẽ kiểm chứng lại thông tin một cách cụ thể.
Ông Chính khẳng định kỳ thi đợt 1 vừa qua diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế, đề thi được bảo mật hoàn toàn trong suốt quá trình trước và trong khi thi nên không có chuyện lộ đề hay ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp đề thi ra bên ngoài. Nội dung từng câu hỏi cũng được kiểm chứng kỹ lưỡng, không để xảy ra sai sót.
Tuy nhiên, theo ông Chính, việc xuất hiện các câu hỏi của đề thi trên mạng sau khi thi là bình thường vì đề thi đã được gần 90.000 thí sinh biết đến.
Còn việc có đề và đáp án hoàn chỉnh của 120 câu, ông Chính cho rằng có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, các trung tâm luyện thi cử 120 thí sinh đi thi với mục đích để mỗi em nhớ được một câu hỏi, sau đó về chắp nối và giải thành bài hoàn chỉnh. Vì thực tế năm nào cũng có những người đi thi chỉ để lấy thông tin về đề thi chứ không phải thi để mục đích lấy kết quả điểm thi.
Khả năng thứ hai, mặc dù quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM là thu lại toàn bộ đề thi đã phát ra cho thí sinh nhưng không thu lại đủ. Và ông Chính cho biết, cụ thể ở đợt 1 vừa qua, sau khi thi và kiểm tra đã có trường hợp làm thất thoát đề sau khi thi, lỗi từ phía thí sinh hoặc giám thị sơ suất.
“Việc thất thoát đề thi này không đáng lo ngại vì xảy ra sau khi thi nên không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi. Tuy nhiên, những trường hợp làm thất thoát này là không đúng, ĐH Quốc gia TP.HCM đã ghi nhận và lập biên bản để có hướng xử lý theo quy định” – Tiến sĩ Chính khẳng định.
|
Thí sinh được kiểm tra giấy tờ, tài liệu trước khi vào thi trong đợt 1 vừa qua. Ảnh: P.ANH |
Lý giải về việc không cho thí sinh mang đề ra sau khi thi, Tiến sĩ Chính cho biết, mục tiêu của ĐH Quốc gia TP.HCM không phải là sợ lộ đề hay hết ngân hàng câu hỏi. ĐH Quốc gia TP.HCM không muốn các em hay xã hội thi xong chỉ bàn tán về đề thi, chăm chú luyện thi hay trở thành cái máy giải từng câu hỏi.
“Tất cả các câu hỏi đã thi sẽ không còn được sử dụng hoặc chỉ dùng đưa vào đề minh họa và cũng sẽ bị loại ra khỏi ngân hàng đề thi. Chủ trương của ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ muốn các em hãy quan tâm đến việc học, học làm sao cho tốt vì học là việc quan trọng, thi chỉ để đánh giá một quá trình học đó thôi” – ông Chính nhấn mạnh.
Như PLO đã thông tin, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 vừa diễn ra sáng ngày 26-3 vừa qua, với gần 90.000 thí sinh dự thi.
Kỳ thi được tổ chức đồng loạt tại 86 địa điểm thi với 47 cụm thi, ở 21 địa phương, gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.
Trong đó, TP.HCM là địa phương có nhiều thí sinh dự thi nhất với gần 42.000 em, được tổ chức tại 16 cụm thi.
Dự kiến ngày 4-4, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ công bố kết quả điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Thí sinh xem điểm thi thông qua tài khoản cá nhân.
Sau khi có kết quả, từ ngày 5-4 đến 28-4, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ bắt đầu mở cổng trực tuyến để thí sinh đăng ký thi đợt 2.
Kỳ thi đợt 2 sẽ diễn ra vào ngày 28-5, tại bốn tỉnh/thành, gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang. Thí sinh có thể dự thi cả hai đợt thi, kết quả đợt nào cao hơn sẽ được sử dụng để xét tuyển vào ĐH-CĐ.
Bài thi vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Thang điểm tối đa của bài thi là 1.200.
Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện đã có gần 90 đơn vị đăng ký sử dụng kết quả thi này để xét tuyển năm 2023, gồm có 82 cơ sở ĐH, còn lại là CĐ.