Luật Giao thông đường bộ 2008 (LGTĐB 2008) và các văn bản hướng dẫn đã quy định rất rõ, khi người điều khiển phương tiện muốn chuyển hướng hoặc chuyển làn đường đều phải thực hiện một số động tác bắt buộc: giảm tốc độ, có tín hiệu xin chuyển hướng, chuyển làn (khoản 1 Điều 13 và khoản 1 Điều 15 LGTĐB 2008). Như vậy, để trả lời cho tình huống của kỳ 6, quý bạn đọc cần đưa ra những căn cứ để xác định phương tiện đi vào đường cong có phải là đang “chuyển hướng, chuyển làn đường” hay không. Nếu xem đường cong là “chuyển hướng, chuyển làn đường” thì CSGT xử phạt đúng. Còn ngược lại, CSGT không được phạt anh A.
Ảnh minh họa cảnh sát giao thông xử phạt hành chính người vi phạm. Ảnh: HTD
Thật ra, với các quy định của LGTĐB 2008 và các văn bản hướng dẫn trước đây như Nghị định 146/2007, Nghị định 171/2013,… chưa có sự phân định rõ ràng giữa đường cong với “chuyển hướng, chuyển làn đường” nên đã dẫn đến sự tranh cãi trong việc xử phạt khi gặp tình huống trên. Thậm chí đến đầu năm 2015, Đại tá Trần Thanh Trà, lúc đó đang là trưởng Phòng CSGT đường sắt - đường bộ (PC67) Công an TP.HCM, đã phải ký văn bản gửi cho lực lượng CSGT đường bộ trên địa bàn TP.HCM, yêu cầu không được xử phạt người điều khiển phương tiện khi vào đường cong không bật tín hiệu. Văn bản này đã chấm dứt tình trạng người điều khiển phương tiện bị xử phạt khi đi vào đường cong trên địa bàn TP.HCM mà không bật tín hiệu. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là văn bản mang tính chất cục bộ địa phương. Vẫn còn nhiều địa phương khác xử phạt người điều khiển phương tiện với lỗi trên.
Đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 1-8-2016) thì vấn đề trên đã được cụ thể hóa tại điểm c khoản 3 Điều 5 về việc xử phạt người điều khiển ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Quy định này rất rõ ràng: “Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức)”.
Như vậy, với Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tình huống pháp luật của À Ra Thế kỳ 6 đã có căn cứ rất cụ thể để giải đáp cho quý bạn đọc. Do đây là quy định mới, không phải ai cũng có thể cập nhật kịp thời nên qua việc tham gia sân chơi cùng À Ra Thế, quý bạn đọc có thể mạnh dạn vận dụng quy định này của Nghị định 46/2016/NĐ-CP để trình bày với lực CSGT nếu lỡ may bị thổi phạt trong tình huống trên.
Đáp án của À Ra Thế kỳ 6: Anh CSGT xử phạt như vậy là sai.
À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, những bạn đọc có đáp án đúng hãy tiếp tục giải đố với tình huống của À Ra Thế kỳ 7 nhé.
À Ra Thế sẽ nhanh chóng phân loại các đáp án đã gửi về để có thể công bố con số may mắn của À Ra Thế kỳ 6 và vinh danh năm người xuất sắc nhất vào thứ Tư, ngày 7-9 tới.