Đau đớn và hiểm nguy chuyện sinh nở giữa khói lửa Gaza

(PLO)- Giữa xung đột Israel-Hamas, các thai phụ tại Dải Gaza phải sống trong điều kiện thiếu vệ sinh và nước sạch, lo sợ việc sinh nở sẽ không dễ dàng do thiếu trang thiết bị y tế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 6-11, Cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết khoảng 1,5 triệu người ở Dải Gaza (Palestine) - tương đương 70% dân số của khu vực - đã phải sơ tán, theo đài CNN.

Cơ quan này đánh giá tình hình tại các nơi trú ẩn là "vô nhân đạo" và ngày càng xấu đi. UNRWA cũng cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng sức khỏe cộng đồng do cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh bị hư hại.

Làm mẹ ở Dải Gaza.jpg
Phụ nữ làm bánh mì không men truyền thống tại một trường học do Liên Hợp Quốc điều hành ở phía nam Dải Gaza. Ảnh: AFP

Trong số những người phải sơ tán do xung đột ở Dải Gaza có cả thai phụ và phụ nữ mới sinh con. Các tổ chức y tế và nhân đạo cảnh báo tình hình hiện tại có thể khiến sức khỏe của những nhóm người này bị ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến sức khỏe trẻ sơ sinh.

Sơ tán, thiếu dinh dưỡng dù sắp sinh

Hồi tháng 10, khi đang nằm cạnh con trai, cô Khulood Khaled bị tiếng không kích của lực lượng Israel đánh thức. Khói đen tràn ngập căn phòng khiến cô khó thở. Cô cảm thấy một cảm giác hoảng loạn ập đến. Sau đó, cô cảm thấy có cơn đau ở bụng.

Khi ấy, cô Khaled đã mang thai được 8 tháng. Cô nghĩ mình sắp chuyển dạ. Cô lo lắng cho đứa con chưa chào đời của mình, nên sáng hôm sau cô quyết định rời phía bắc Dải Gaza để đảm bảo an toàn.

“Chúng tôi nhìn những ngôi nhà đổ xuống khi lái xe, nghĩ rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào” - cô Khaled kể.

Theo CNN, trên đường đi, cô Khaled nhìn thấy những người tị nạn bị trúng không kích “chỉ cách đó vài mét”. Cô sợ hãi ôm lấy con trai mình “để trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi có thể chết cùng nhau”.

Cuối cùng, cô Khaled đã đến được TP Khan Younis ở phía nam Dải Gaza. Tuy nhiên sau đó, cô phải sống trong điều kiện rất khó khăn, thiếu lương thực và nước sạch.

Làm mẹ ở Dải Gaza 1.jpg
Một người phụ nữ bế con sau khi chạy trốn khỏi địa điểm bị Israel không kích ở Dải Gaza. Ảnh: AFP

Cô Nardeen Fares đang mang thai đứa con đầu lòng được 9 tháng. Ngày 20-10, cô quyết định cùng chồng rời TP Gaza đến TP Khan Younis.

Ngày dự sinh đã đến gần, nhưng Fares cho biết cô lo sợ không biết tương lai sẽ như thế nào.

“Là phụ nữ đang mang thai tháng cuối, tôi không biết khi nào mình sẽ sinh và tình hình khi đó sẽ như thế nào. Tôi không biết sau những trận bắn phá này sẽ xảy ra chuyện gì” - cô Fares nói.

Cô Mona Ashour đã mang thai được 7 tháng. Cô quyết định ở lại phía bắc Dải Gaza do không đủ tiền để di chuyển về phía nam.

Cô Ashour đã giảm lượng dinh dưỡng của mình xuống mức tối thiểu khi nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống cạn kiệt. Cô biết điều này có thể ảnh hưởng đến đứa con chưa chào đời của mình và điều đó khiến cô rất căng thẳng.

Nỗi lo sinh con giữa xung đột

Các bà mẹ cho biết họ đang phải đối mặt nỗi lo không có cách nào để bảo vệ bản thân, con cái trước tình trạng các khu dân cư, bệnh viện và trường học bị tấn công.

Cô Reham Ahmed Al-Sadi đã mơ ước có một bé gái. Cô đang mang thai đứa con thứ hai được 9 tháng và chuẩn bị sinh con ngay tại vùng chiến sự. Trong khi đó, cô còn phải cố gắng bảo vệ mạng sống của mình và những người thân.

Cô Al-Sadi cho biết cô rất sợ hãi khi nghĩ về việc sinh con trong bối cảnh xung đột đang căng thẳng.

“Tôi cảm thấy sợ khi nghĩ về việc chuẩn bị đồ dùng cho em bé, đồ dùng sau sinh, đến bệnh viện khi chuyển dạ và xuất viện sau khi sinh con. Xung đột phá hủy niềm vui khi mang thai của tôi” - cô Al-Sadi nói.

Photo 1 Credit Bisan Owda (002).jpg
Một đứa trẻ sơ sinh tại bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza vào ngày 26-10. Ảnh: UNFPA

Cận kề ngày sinh con, nhiều thai phụ ở Dải Gaza cũng có chung nỗi lo với cô Al-Sadi.

Cô Amal là một trong số người sơ tán khỏi TP Gaza đến TP Khan Younis. Cô đang mang thai 9 tháng và lo lắng không biết mình phải sinh con trong điều kiện thế nào.

“Nếu tôi cần phẫu thuật thì sao? Tôi sẽ sinh con như thế nào? Bệnh viện không có máy phát điện. Nếu nguồn điện còn lại bị tắt thì sao? Điều nguy hiểm hơn là không có thuốc mê. Không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện. Không đủ điều kiện vệ sinh” - cô Amal nói.

Cô Amal cũng rất lo lắng vì không biết làm thế nào để chăm sóc con mình. Lượng nước dự trữ tại Dải Gaza chỉ có hạn và người dân phải đun sôi lượng nước này trước khi uống để đảm bảo an toàn.

“Bạn thật may mắn nếu có được một xô đầy nước. Các bà mẹ ở Dải Gaza đang cho con mình uống sữa dành cho người lớn. Họ đun sôi nó để cho các em bé uống. Để cho trẻ ăn, các bà mẹ nghiền nát vài chiếc bánh quy và thêm nước vào rồi khuấy đều. Đó là một bữa ăn” - cô Amal kể.

Khủng hoảng sức khỏe đe dọa phụ nữ tại Dải Gaza

Bà Tanya Haj-Hassan - bác sĩ chăm sóc nhi khoa đặc biệt của tổ chức Bác sĩ không biên giới - cho biết tình trạng thiếu nước, thực phẩm và thuốc men nghiêm trọng đã gây ra “nỗi đau liên tiếp cho con người” tại các bệnh viện ở Gaza.

Bà Haj-Hassan cho biết nhân viên y tế ở khu vực này đang không có đủ nguồn cung vật tư y tế thiết yếu như băng gạc và các dụng cụ dùng trong phẫu thuật chỉnh hình. Ngoài ra, các bác sĩ buộc phải chữa trị cho những người bị thương mà không có gây mê hoặc thuốc giảm đau.

33Y3996-highres-1698663491.jpg
Một số phụ nữ tại Dải Gaza dắt tay những đứa trẻ và mang theo đồ đạc sơ tán khỏi khu vực bị lực lượng Israel không kích. Ảnh: AFP

Theo bà Haj-Hassan, trong thời điểm căng thẳng nghiêm trọng, phụ nữ có nhiều khả năng bị sẩy thai hoặc sinh non, gây nguy hiểm cho “sự sống còn của đứa trẻ”. Trong khi đó, nguồn điện bị cắt là “bản án tử hình” đối với những bệnh nhân phải phụ thuộc vào các thiết bị y tế như máy thở hay máy lọc máu.

Bà Haj-Hassan cũng cho hay trẻ sinh non cần lồng ấp, máy thở và bơm truyền dịch để có thể khỏe mạnh. Tất cả máy móc, thiết bị trên đều dùng điện.

“Không có những thứ đó, những đứa trẻ sinh non sẽ không thể sống sót” - bà Haj-Hassan nói.

Ngày 30-10, tổ chức nhân đạo CARE International báo cáo rằng nhiều phụ nữ mang thai bị buộc phải sinh mổ khẩn cấp mà không có sự hỗ trợ đầy đủ của các thiết bị y tế.

Bà Hiba Tibi - Giám đốc tổ chức CARE Bờ Tây và Dải Gaza - cho biết, tình trạng thiếu lương thực đe dọa sức khỏe của 283.000 trẻ em dưới 5 tuổi, đe dọa sức khỏe của phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm