Hàng ngàn bệnh nhân ở Gaza lâm hiểm cảnh 'ngàn cân treo sợi tóc'

(PLO)- Hàng ngàn bệnh nhân ở Gaza đang lâm hiểm cảnh 'ngàn cân treo sợi tóc' khi các bệnh viện ngày càng quá tải, thiếu thuốc men, thiếu nhiên liệu vận hành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin từ Bộ Y tế Palestine ngày 1-11, 16 trong số 35 bệnh viện ở Dải Gaza đã ngừng hoạt động do bị bắn phá và thiếu nhiên liệu.

Số bệnh viện còn mở cửa ở Dải Gaza cũng đang phải hoạt động cầm chừng vì không còn đủ điện vận hành hệ thống oxy, không có đủ thuốc và trang thiết bị phẫu thuật, vì quá tải, và cả vì thiếu nhân lực, theo đài CNN. Điều này đang đẩy hàng ngàn bệnh nhân lâm vào hiểm cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".

Quá tải, hết thuốc

Tại bệnh viện Al-Shifa - cơ sở y tế lớn nhất Dải Gaza ngày 31-10, một phụ nữ ngồi đau đớn trên sàn với một chân bị chảy máu. Gần đó, một người đàn ông trẻ tuổi nằm trên nền gạch vấy máu, cổ và chân quấn đầy băng.

Bà Rajaa Musleh (50 tuổi) - đang trú ẩn tại bệnh viện Al-Shifa, thốt lên: “Tình hình ở các bệnh viện thật khốn khổ. Nó khiến bạn phải rơi nước mắt. Bệnh viện tại đây không đủ trang thiết bị. Mọi người phải nằm chồng lên nhau”.

Bà Musleh cho biết rất nhiều người nằm dọc theo hành lang của bệnh viện Al-Shifa, bên cạnh những đống rác. Theo bà Musleh, nhiều người “chấp nhận ngủ trên sàn vì họ cảm thấy bệnh viện an toàn”.

“Mùi chết chóc ở khắp mọi nơi. Mùi máu ở khắp mọi nơi” - bà Musleh nói.

Phòng cấp cứu của bệnh viện chật kín đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở các độ tuổi khác nhau. Nhiều trẻ khóc, nhiều trẻ run rẩy và không ít trẻ phải ngủ trên những chiếc giường tạm bợ trên sàn nhà, theo CNN.

Bệnh viện Dải Gaza.jpg
Nhân viên y tế đứng khóc bên ngoài bệnh viện Al-Shifa ở Dải Gaza. Ảnh: AFP

Bà Tanya Haj-Hassan - bác sĩ nhân đạo và chăm sóc đặc biệt khoa nhi thuộc nhóm viện trợ Bác sĩ không biên giới - cho biết các bác sĩ tại bệnh viện Al-Shifa cũng đang chứng kiến ​​những đứa trẻ bị bỏng phần lớn cơ thể và khuôn mặt, bị mất chân tay và các “thương tích thảm khốc khác”.

“Các bác sĩ phải điều trị cho bệnh nhân với khả năng kiểm soát cơn đau hạn chế, vì sắp hết thuốc gây mê. Chúng tôi không có đủ thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng vết thương và không có đủ băng gạc” - bà Haj-Hassan nói.

Thiếu nhiên liệu, nhân lực kiệt sức

Bệnh viện Al-Shifa đã phải hứng không kích một lần khiến hàng trăm người chết, và tiếp tục chịu rủi ro bị tấn công nữa bất cứ lúc nào. Tuần trước, Israel tuyên bố cơ sở này là nơi đặt trung tâm chỉ huy và kiểm soát lớn của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine).

Ngoài nguy cơ bị tấn công, ngày 1-11, Bộ Y tế Palestine cảnh báo bệnh viện Al-Shifa có thể ngừng hoạt động trong chưa đầy 24 giờ nữa vì hết nhiên liệu cần thiết để vận hành máy phát điện.

Ngoài Al-Shifa, các bệnh viện còn lại ở Dải Gaza cũng đang gặp khó khăn do quá tải và thiếu nhiên liệu. Theo thời gian ngày càng thêm nhiều bệnh viện phải đóng cửa vì không còn khả năng hoạt động.

Hôm 1-11, Bộ Y tế Palestine cho biết bệnh viện Hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ - Palestine đã phải ngừng hoạt động do các cuộc ném bom của Israel và tình trạng thiếu nhiên liệu.

Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ-Palestine - ông Sobhi Skaik cho hay bệnh viện bị phía Israel tấn công hôm 30-10. Vụ tấn công khiến nguồn cung cấp oxy và nước trên tầng 3 của bệnh viện bị hư hại.

Tuy nhiên, ông Skaik cho biết “thiệt hại nặng nề nhất là sự lo lắng và hoảng sợ của bệnh nhân”. Ông cũng cho hay một số bệnh nhân đã rời khỏi bệnh viện sau khi nơi này bị không kích.

Tại bệnh viện Indonesia ở phía bắc Dải Gaza, máy phát điện chính đã hết nhiên liệu hôm 1-11. Sau đó, bệnh viện phải dùng điện từ máy phát điện thứ cấp cho một số khu quan trọng.

Giám đốc bệnh viện Indonesia - bác sĩ Atef Al Kahlout cho hay các hệ thống thông gió trong phòng mổ và trạm oxy đã ngừng hoạt động trong toàn bộ bệnh viện. Ngoài ra, các tủ đông của nhà xác bệnh viện cũng đã ngừng hoạt động.

Tình trạng hiện tại cũng khiến nhiều nhân viên y tế mệt mỏi, kiệt sức.

“Với tư cách là một con người và một nhân viên y tế, bạn không thể chịu đựng được tình huống này” - bác sĩ Alaa Shitali làm việc tại khoa cấp cứu của bệnh viện Al-Shifa nói với CNN.

Ông Shitali đã không được gặp gia đình trong nhiều ngày qua và phải trực đêm ở bệnh viện để điều trị cho lượng bệnh nhân khổng lồ liên tục đổ về.

“Chúng tôi bị quá tải” - ông Shitali nói.

231027164526-injured-gaza-1027.jpg
Người bị thương được đưa đến bệnh viện Nasser (Dải Gaza) vào ngày 27-10. Ảnh: GETTY IMAGES

Bệnh nhân rơi vào hiểm cảnh "ngàn cân treo sợi tóc"

Việc các bệnh viện không thể hoạt động khiến việc chăm sóc sức khỏe cho các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh gặp nhiều khó khăn.

Ngày 30-10, tổ chức nhân đạo Care International cảnh báo rằng tình trạng y tế tồi tệ tại Dải Gaza đang “làm trầm trọng thêm nguy cơ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh - vốn đã ở mức cao tại Dải Gaza”.

Cơ quan này cho biết phụ nữ mang thai ở Dải Gaza buộc phải phẫu thuật để sinh nở mà không được gây mê. Care International tính toán trung bình mỗi ngày trong tháng 11, có 160 phụ nữ mang thai tại Dải Gaza dự kiến sinh con. Ngoài ra, 130 trẻ sơ sinh trong lồng ấp có thể gặp nguy hiểm nếu không có điện.

Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế tại Dải Gaza liên tục nhận được lệnh sơ tán.

Bác sĩ Bashar Morad - giám đốc điều hành của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine và giám đốc bệnh viện Al-Quds (Dải Gaza) - cho biết bệnh viện Al-Quds đã nhận được một số yêu cầu sơ tán từ phía Israel.

231102151539-04-gaza-hospitals.jpg
Người dân trú ẩn tại bệnh viện Al-Quds (Dải Gaza) hôm 31-10. Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên, theo ông Morad, việc sơ tán gần như là không thể. Điều này là do bệnh viện Al-Quds đang chữa trị hàng trăm bệnh nhân bị thương và là nơi cung cấp chỗ trú ẩn cho khoảng 16.000 người dân.

Ngày 29-10, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết các cuộc không kích của Israel đã “gây thiệt hại nặng nề cho các khoa và khiến người dân, bệnh nhân tại bệnh viện Al-Quds bị ngạt thở”. Tổ chức này cáo buộc Israel “cố tình” tiến hành các cuộc không kích “ngay bên cạnh” bệnh viện Al-Quds nhằm buộc cơ sở y tế này phải sơ tán.

Ông Morad cho biết cuộc không kích “làm cho tất cả phòng ban đầy bụi và khói”, gây ra “sự hoảng loạn, sợ hãi ở phụ nữ và trẻ em”.

Ngày 30-10, Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng báo động taj các bệnh viện Dải Gaza, cần quan tâm giải quyết ngay nếu muốn ngăn không để thảm họa trầm trọng thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm