Ai Cập mở cửa khẩu Rafah đón người từ Gaza

(PLO)- Cửa khẩu Rafah mở ra giúp nhiều người nước ngoài, người bị thương ở Dải Gaza đến được Ai Cập, nhưng cũng khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh chia ly.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-11, Ai Cập mở cửa khẩu Rafah (nối Dải Gaza với Ai Cập), cho phép hàng trăm người mang quốc tịch nước ngoài và những người Palestine bị thương nặng rời khỏi Dải Gaza, theo đài CNN.

Đây là lần đầu tiên Ai Cập cho phép người từ phía Dải Gaza đi qua cửa khẩu Rafah kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) nổ ra hôm 7-10.

CNN dẫn lời một quan chức Ai Cập cho biết tính đến tối 1-11 ít nhất 361 người đi sang Ai Cập qua cửa khẩu Rafah. Nhiều người trong số này đang trên đường đến Cairo và sẽ lên máy bay để về đất nước của họ.

Quan chức này cho biết thêm rằng có 491 công dân nước ngoài đăng ký đến Ai Cập nhưng 130 người không đến cửa khẩu vì nhiều lý do, bao gồm không muốn bỏ lại người thân.

download (22) (1).jpg
Những người ở Dải Gaza đến Ai Cập thông qua cửa khẩu Rafah hôm 1-11. Ảnh: AP

Theo nguồn tin của CNN, việc người ở Dải Gaza được phép đi qua cửa khẩu Rafah là kết quả của một cuộc đàm phán giữa Israel, Ai Cập và Hamas. Cuộc đàm phán này do Qatar làm trung gian.

Nóng lòng chờ đợi

Trước khi cửa khẩu Rafah được mở cho người ở Dải Gaza đi qua Ai Cập vào ngày 1-11, hãng tin AP mô tả mọi người đứng gần cửa khẩu có cảm giác đầy sợ hãi. Họ chen lấn, xô đẩy và mang theo rất nhiều hành lý. Nhiều người bồn chồn tựa người vào tấm lưới sắt của cửa khẩu để chờ đợi.

Hầu hết người được phép qua cửa khẩu Rafah hôm 1-11 là người Palestine mang 2 quốc tịch. Ngoài ra, trong số này còn có các công dân nước ngoài, 76 bệnh nhân bị thương nặng và một số nhân viên của các tổ chức viện trợ như Bác sĩ không biên giới, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn Palestine.

Bà Rania Hussein - một công dân Jordan làm việc tại Dải Gaza - là một trong những người chờ được đi qua cửa khẩu Rafah hôm 1-11. Bà cho biết toàn bộ khu dân cư bà ở bị san bằng và nhiều người tại đó đã thiệt mạng.

“Chúng tôi hy vọng mình có thể thoát ra được Dải Gaza. Nếu mọi chuyện không xảy ra, chúng tôi đã không rời bỏ nơi này” - bà Hussein nói.

Cửa khẩu Rafah từ Dải Gaza.jpg
Người dân chờ đợi trước cửa khẩu Rafah hôm 1-11. Ảnh: AP

Ông Hamdan Abu Speitan - bác sĩ người Mỹ gốc Palestine - cũng đứng đợi ở cửa khẩu Rafah. Ông cho biết không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

“Tất cả những gì tôi có thể làm là chờ đợi và cầu nguyện” - ông Speitan nói.

Trong ngày 1-11, chính phủ Anh xác nhận một số công dân nước này đã rời Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Phía Pháp cũng xác nhận một số công dân của họ đã đi qua cửa khẩu Rafah an toàn.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết một số công dân Mỹ đã đi qua cửa khẩu Rafah và hiện ở Ai Cập.

“Một nhóm công dân các nước, bao gồm công dân Mỹ, đã rời Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Chúng tôi dự đoán việc công dân Mỹ và công dân nước ngoài rời khỏi Dải Gaza sẽ tiếp tục trong những ngày tới” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi việc mở cửa khẩu Rafah cho những người Palestine bị thương và người nước ngoài. Ông Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thúc ép Israel tuân thủ luật pháp quốc tế để bảo vệ dân thường trong xung đột.

Đi nghĩa là bỏ lại

Theo tờ The New York Times, cửa khẩu Rafah mở ra cho phép nhiều người thoát khỏi cảnh mưa bom bão đạn và được điều trị y tế kịp thời. Tuy nhiên, với một số người, rời khỏi Dải Gaza đồng nghĩa với việc họ phải bỏ lại cha mẹ, anh chị em hoặc con cái.

Hôm 1-11, bà Nadia Salah đến cửa khẩu Rafah cùng con gái lớn của bà - cô Lama Eldin - với hy vọng cả gia đình sẽ được vào Ai Cập. Tuy nhiên, bà Salah đã phải ở lại Dải Gaza và nói lời chào tạm biệt con gái mình khi nhìn cô đi qua cửa khẩu.

Nguyên nhân là do cô Eldin có quốc tịch Bulgaria. Trong khi đó, bà Salah và các thành viên khác trong gia đình chỉ có quốc tịch Palestine.

“Điều này rất khó khăn nhưng con bé nên rời đi để được an toàn” - bà Salah nói trong niềm xúc động.

Ông Haitham Schurrab mang quốc tịch Palestine và Áo. Vào thời điểm xung đột xảy ra, ông Schurrab đang đi du lịch ở Cairo. Ông Schurrab có 3 con trai và 1 con gái. Tất cả họ đều mang quốc tịch Áo. Tuy nhiên, trong chiều 1-11, chỉ có 3 con trai ông rời khỏi Dải Gaza.

Con gái của ông Schurrab đã quyết định ở lại Dải Gaza vì cô mới kết hôn và chồng cô không có quốc tịch nước ngoài.

download (23) (1).jpg
Người dân chờ đợi trước cửa khẩu Rafah hôm 1-11. Ảnh: AP

Trong khi đó, khi nhận ra thành viên gia đình không có tên trong danh sách những người được phép qua cửa khẩu Rafah, một số người đã phải đưa ra lựa chọn đau đớn.

Ông Abdallah Dahalaan (76 tuổi) là một trong những người như vậy. Ông Dahalaan, người Úc gốc Palestine, đến Dải Gaza vào năm 2022 và lấy vợ tại đây.

Khi xung đột nổ ra, ông Dahalaan vẫn chưa xin được thị thực Úc cho vợ mình. Dù vậy, chính phủ Úc đã đồng ý cấp cho vợ ông Dahalaan thị thực khẩn cấp để bà ấy có thể cùng ông Dahalaan đi qua Ai Cập.

Tuy nhiên, khi ông Dahalaan và vợ đến cửa khẩu Rafah hôm 1-11, ông nhận ra tên của vợ mình không có trong danh sách những người được phép rời đi. Ông Dahalaan đã giải thích với cán bộ biên phòng nhưng họ không đồng ý cho vợ của ông cùng ông xuất cảnh.

Cuối cùng, ông quyết định về lại căn hộ của mình bên trong Dải Gaza và chờ đợi.

“Cô ấy đã bảo tôi đi nhưng tôi không thể bỏ vợ mình lại. Đó không phải là điều đúng đắn” - ông Dahalaan nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm