Người dân Dải Gaza phải sống giữa 'địa ngục trần gian' đến bao giờ?

(PLO)- Theo các cơ quan của Liên Hợp Quốc, thảm kịch tại Dải Gaza là chưa có tiền lệ và đang khiến những người dân tại khu vực này như sống trong địa ngục trần gian. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Bộ Y tế Palestine, tính từ ngày 7-10, xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) đã khiến hơn 8.700 người ở Dải Gaza thiệt mạng và làm hơn 22.000 người bị thương. Bộ này cho biết 73% trong số nạn nhân thương vong là trẻ em, phụ nữ và người già, theo hãng thông tấn Wafa (Palestine).

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza đang ngày càng trầm trọng khi số thương vong không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế tại khu vực này đang rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí phải đóng cửa vì thiếu nhiên liệu.

Dải Gaza khủng hoảng nhân đạo.jpg
Người dân tìm kiếm người sống sót dưới đống đổ nát tại khu tị nạn Jabalya, Dải Gaza, sau khi nơi này bị trúng không kích vào ngày 1-11. Ảnh: AFP

Thảm kịch ở Dải Gaza chưa từng có tiền lệ

Ngày 1-11, người đứng đầu Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) - ông Philippe Lazzarini cho biết quy mô của thảm kịch ở Dải Gaza là "chưa từng có", theo đài CNN.

Ông Lazzarini đưa ra nhận định trên sau khi quay về từ Dải Gaza. Ông Lazzarini gọi đó là “một trong những ngày buồn nhất trong công việc nhân đạo của tôi”.

“Tôi đã gặp những người Palestine đang trú ẩn tại một trong những trường học của UNRWA ở Rafah (phía nam Dải Gaza). Họ chỉ cho tôi những nơi trong trường bị hư hại do các cuộc ném bom. 1 người thiệt mạng và hơn 80 người bị thương do các cuộc ném bom đó. Nơi đó đã quá đông đúc. Mức độ đau khổ và điều kiện sống mất vệ sinh là không thể hiểu nổi” - ông Lazzarini nói về chuyến đi của mình.

Theo ông Lazzarini, người dân tại khu vực ông đến thăm chỉ xin nước và thức ăn. "Thay vì đến trường học tập, trẻ em lại xin một ngụm nước và một miếng bánh mì. Thật đau lòng. Trên hết, mọi người muốn các bên ngừng bắn. Họ muốn thảm kịch này chấm dứt" - ông Lazzarini nói.

Ông Lazzarini cho biết những nhu yếu phẩm cơ bản của UNRWA "đang cạn kiệt nhanh chóng". Ông nhấn mạnh cơ quan này "sẽ tiếp tục sát cánh cùng người tị nạn Palestine và phần còn lại của cộng đồng người Palestine” và kêu gọi các bên ngừng bắn nhân đạo.

33ZD9KN-highres-1698890601.jpg
Người dân xếp hàng tại một tiệm bánh mì ở Dải Gaza vào ngày 28-10. Ảnh: AFP

Bà Juliette Touma - người phát ngôn của UNRWA - cho biết UNRWA đã phải hạn chế sử dụng nhiên liệu của mình ở Dải Gaza vì sắp hết nguồn dự trữ. Bà cũng cho hay hơn 670.000 người đang ở tại các nơi trú ẩn, trường học, cơ sở y tế của UNRWA và những nơi trú ẩn khác trên khắp Dải Gaza.

Gần một nửa bệnh viện ở Dải Gaza dừng hoạt động

Ngày 1-11, Bộ Y tế Palestine cho biết 16 trong số 35 bệnh viện ở Gaza đã ngừng hoạt động do bị bắn phá và thiếu nhiên liệu. Theo đó, bệnh viện Hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ-Palestine - bệnh viện điều trị ung thư hàng đầu ở Dải Gaza - nằm trong số các bệnh viện đã ngừng hoạt động, theo Wafa.

Bộ trưởng Y tế Palestine - bà May Alkaila cho biết 70 bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện Hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ-Palestine có thể mất mạng do bệnh viện ngừng hoạt động.

Theo bà Alkaila, số bệnh nhân ung thư ở Dải Gaza là khoảng 2.000 người. Những người này đang sống trong tình trạng sức khỏe tồi tệ do các cuộc tấn công từ phía Israel.

Bà Alkaila cũng bày tỏ lo ngại bệnh viện Al-Shifa - bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza - cũng có thể ngừng hoạt động trong vòng chưa đầy 24 giờ nếu rơi vào tình trạng hết nhiên liệu.

Bà cho hay tại bệnh viện Al-Shifa, các khoa cấp cứu, phẫu thuật, lọc thận, chăm sóc đặc biệt và lồng ấp là các khoa vẫn còn hoạt động. Song bệnh viện này đang phải hoạt động với công suất vượt gấp nhiều lần khả năng.

Theo đài Al Zajeera, bệnh viện Al-Shifa đang phải dùng một máy phát điện thứ cấp. Tuy nhiên, hệ thống thông gió và điều hòa của bệnh viện đã ngừng hoạt động vì gần hết nhiên liệu.

im-879194.jpg
Bên ngoài một bệnh viện tại Dải Gaza. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Hệ thống tạo oxy cho bệnh nhân tại bệnh viện Al-Shifa cũng ngừng hoạt động, thậm chí cả tủ đông trong nhà xác cũng không đủ điện để hoạt động.

Viện trợ tiếp tục vào Dải Gaza, nhưng không có nhiên liệu

Ngày 1-11, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết các nhân viên của họ tại cửa khẩu Rafah đã nhận được 55 xe tải viện trợ nhân đạo từ Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập. Theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, những xe tải này chở thực phẩm, nước uống, thuốc men và vật tư y tế.

Tính đến nay, có tổng cộng 272 lượt xe tải chở hàng viện trợ đã vào Dải Gaza.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Mille cho biết hơn 200 xe tải chở hàng viện trợ đã vào Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah kể từ ngày 21-10.

“Chúng tôi hy vọng số xe tải hôm nay sẽ vượt qua số xe tải ngày hôm qua, trong bối cảnh chúng tôi tiếp tục tăng cường vận chuyển hàng hóa vào Dải Gaza” - ông Mille nói vào sáng 1-11.

Theo CNN, mặc dù số lượng xe tải đi vào Dải Gaza đã tăng lên trong những ngày gần đây, nhưng so với trước khi xung đột bắt đầu, viện trợ ít hơn nhiều. Theo đó, trước ngày 7-10, có 450 xe tải chở hàng viện trợ đi vào Dải Gaza mỗi ngày.

d6cf25c9-9399-4929-a705-3d3850d428a7.jpg
Tình nguyện viên đứng trước xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo tại cửa khẩu Rafah vào ngày 31-10. Ảnh: AP

Tuy nhiên, đến nay, nhiên liệu vẫn chưa vào được Dải Gaza do phía Israel đề nghị không cho mặt hàng này đi qua cửa khẩu Rafah. Phía Israel cho rằng Hamas có thể đánh cắp số nhiên liệu viện trợ để phục vụ cho các hoạt động của nhóm này.

UNICEF: Dải Gaza là địa ngục trần gian

Ngày 31-1, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đánh giá rằng Dải Gaza hiện là nghĩa địa của hàng nghìn trẻ em và là địa ngục trần gian cho những người sống tại đây.

Ông James Elder - người phát ngôn của UNICEF - cho biết: “Nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi là số lượng trẻ em thiệt mạng tại Dải Gaza sẽ lên đến hàng chục, rồi hàng trăm và cuối cùng là hàng ngàn. Điều thành hiện thực chỉ trong 2 tuần” - ông Elder nói.

Theo ông Elder, những con số thương vong thật kinh khủng.

“Hơn 3.000 trẻ em đã thiệt mạng. Đáng kinh ngạc là con số này tăng lên đáng kể mỗi ngày. Dải Gaza đã trở thành nghĩa địa của hàng nghìn trẻ em. Đó là địa ngục trần gian đối với những người ở đây” - ông Elder nói.

Bà Catherine Russell - Giám đốc điều hành của UNICEF - cho biết hơn 6.000 trẻ em tại Dải Gaza đã bị thương do các cuộc tấn công của Israel.

“Những con số này gây sốc và khiến chúng tôi đau đớn tận đáy lòng” - bà Russell nói.

UNICEF kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Cơ quan này cũng kêu gọi mở tất cả lối vào Dải Gaza để viện trợ nhân đạo tiếp cận một cách an toàn, bền vững và không bị cản trở.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có lệnh ngừng bắn, không có nước, không có thuốc men và những đứa trẻ bị bắt không được thả? Sau đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với những nỗi kinh hoàng còn lớn hơn và sẽ gây đau khổ cho những đứa trẻ vô tội”, theo ông Elder.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm