Trao đổi bên lề với báo chí trong buổi tọa đàm trực tuyến chủ đề “Phương án tuyển sinh 2017”, Thứ trưởng Ga cho hay năm 2015 là năm đầu tiên áp dụng và tổ chức thi THPT quốc gia tại 38 cụm thi trong cả nước. Kết quả đã có những thành công nhất định. Năm 2016 tiếp tục được đánh giá là kỳ thi thành công.
Tuy nhiên, kỳ thi 2016 còn một số bất cập tồn tại. Năm 2017, đề thi THPT quốc gia 2017 sẽ có hai mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ sẽ lập một tổ biên soạn để bổ sung cập nhật một ngân hàng đề thi đủ lớn, để đảm bảo mỗi thí sinh trong phòng thi có một đề khác nhau, tránh sự trùng lặp câu hỏi và không thể quay cóp được. Ngân hàng đề thi THPT quốc gia 2017 dự kiến sẽ có khoảng 15.000-17.000 câu hỏi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời báo chí
“Như vậy việc giao cho Sở hay các trường đứng ra tổ chức thi cũng không ảnh hưởng gì vì đã có hàng rào kỹ thuật đảm bảo mức độ nghiêm túc cao” - ông Ga nói.
Bên cạnh đề thi giải tỏa lo ngại tiêu cực, việc chấm thi sẽ hoàn toàn thực hiện trên máy không có người can thiệp.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, mô hình đề thi cuộc thi đánh giá năng lực được tổ chức ba năm qua tại ĐH Quốc gia Hà Nội được coi là khá toàn diện, có thể được áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Đối chiếu kết quả kỳ thi này với kỳ thi THPT cho thấy sự tương thích cao. Những em đạt kết quả cao của thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có kết quả tương tự trong kỳ thi THPT quốc gia của Bộ.
Như đã thông tin trong dự thảo tuyển sinh 2017 báo cáo Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án mở rộng việc đánh giá toàn diện học sinh bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát.
Trong đó, tất cả chỉ còn năm bài thi: Toán, ngữ Văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). Trừ văn là vẫn thi bằng hình thức tự luận, tất cả bài thi còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm khách quan.