Trong báo cáo tài chính vừa phát hành, Sabeco cho biết, quý IV-2023, doanh thu đạt 8.520 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm cũng khiến lợi nhuận sau thuế của Sabeco giảm sút.
Sau quý II và quý III-2023 lãi trên 1.000 tỉ đồng thì quý IV-2023, Sabeco chỉ kiếm được lãi ròng là 947 tỉ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Luỹ kế năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Sabeco lần lượt đạt 30.706 và 4.255 tỉ đồng, giảm 13% và 23% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo giải trình gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Chuan Lester, Tổng giám đốc Sabeco cho biết, doanh thu thuần thấp hơn so với năm ngoái do sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái cùng với việc thực hiện chặt chẽ kiểm soát nồng độ cồn. Lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào và chi phí quản lý cao hơn.
Không chỉ ông lớn Sabeco thấy giảm sự hiệu quả kinh doanh, mà còn nhiều hãng bia khác cũng trong tình trạng tương tự.
Habeco, một thương hiệu bia mạnh tại thị trường miền Bắc cho biết, quý IV-2023, lợi nhuận sau thuế đạt 80,8 tỉ đồng, giảm 78 tỉ đồng tương đương 49% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo giải trình với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Ngô Quế Lâm, Tổng giám đốc Habeco cho biết, lợi nhuận giảm vì doanh thu bán hàng giảm, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường và xu hướng tiêu dùng của người dân giảm do kinh tế khó khăn và việc tăng cường kiểm soát nồng độ cồn vào những tháng cuối năm 2023.
Tương tự, Công ty bia Hà Nội - Hải Dương cũng đã phải báo lỗ trong quý cuối cùng của năm 2023. Việc lỗ kinh doanh của công ty này gần như cùng lý do với Habeco. Đó là giá mua nguyên vật liệu tăng cao, tiêu thụ bia giảm và chính sách Nhà nước về phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu.