Thảo luận tại hội trường về Đề án đổi mới chương trình-sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông sáng 20-11, đại đa số đại biểu (ĐB) đều ủng hộ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” bởi đây là xu hướng của nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, các ĐB cũng băn khoăn về vị trí của CT chưa được chú trọng so với SGK; tuổi thọ của CT-SGK đổi mới lần này và đối với chủ trương xã hội hóa biên soạn và xuất bản SGK thì việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn sách, thẩm định có dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”…
Chưa rõ nguyên nhân, khó có giải pháp
Tán thành với những nội dung đã nêu trong đề án, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) lưu ý cần phải đặt đúng vị trí của CT so với SGK. “CT mới là quan trọng, CT mới là cái mà Bộ GD&ĐT cần nắm, cần phải đầu tư xây dựng chứ không phải SGK” - bà Thúy nhấn mạnh.
Theo bà Thúy, phải có CT chi tiết, cụ thể với “chuẩn” CT mang tính định lượng thì mới đánh giá được học sinh, mới bảo đảm được sự thống nhất giữa các bộ SGK. Và như vậy SGK chỉ nên biên soạn sau khi đã có đề cương chi tiết của CT đổi mới.
Có một câu hỏi đặt ra là CT hiện hành cũng đưa ra mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh nhưng vì sao không đạt được yêu cầu? Câu hỏi này tới nay vẫn chưa được Bộ GD&ĐT giải đáp. Chưa rõ nguyên nhân thì rất khó có giải pháp phù hợp cho việc biên soạn CT-SGK mới. Mặt khác, đề án trình Quốc hội cũng chưa có báo cáo đánh giá tác động của CT-SGK mới.
“Một chủ trương lớn, liên quan đến hàng chục triệu người mà không có báo cáo đánh giá tác động thì ĐBQH sẽ thiếu cơ sở để bàn luận và biểu quyết thông qua nghị quyết. Nếu không đủ các cơ sở để bàn bạc kỹ thì sẽ rơi vào tình trạng duy ý chí, thiếu tính khả thi” - bà Thúy nói.
Nhiều đại biểu ủng hộ chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Ảnh: HTD
Cùng chung suy nghĩ này, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) băn khoăn liệu CT-SGK đổi mới lần này sẽ có “tuổi thọ” trong bao lâu? Bà Trang cho rằng suốt mấy thập niên qua, chúng ta đã nhiều lần cải cách giáo dục nhưng chưa thành công như mong đợi. Về khách quan, chu trình tồn tại của một CT giáo dục phổ thông đang ngày càng rút ngắn, một số thông tin nói chu trình này hiện chỉ còn 5-6 năm. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần phải thiết kế CT phù hợp để SGK mới vừa có tính ổn định, vừa có thể liên tục được cập nhật, bổ sung mà không cần xáo trộn nhiều.
Nảy sinh cơ chế xin-cho?
Thể hiện sự ủng hộ đối với chủ trương sử dụng nhiều bộ SGK, các ĐB bàn nhiều về những điều kiện để bảo đảm tính khả thi của đề án cũng như những vấn đề sẽ phát sinh khi triển khai trong thực tiễn.
“Nếu các trường không được tạo điều kiện dùng nhiều bộ SGK khác nhau, mỗi trường chỉ dùng một bộ thì kết quả vẫn như cũ. Lúc đó tôi e có khả năng lặp lại tình trạng như trước năm 2000; dù đã có ba bộ sách toán, hai bộ sách văn nhưng mỗi miền Bắc, Nam chỉ dùng một bộ” - bà Thúy cảnh báo.
Vẫn theo bà Thúy, nếu không cải thiện được tình trạng 50, 60 em ngồi một lớp ở TP cũng như tình trạng trường, lớp xuống cấp, xập xệ ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa thì khó có thể nói đến thành công của CT-SGK mới.
ĐB Lê Thị Hương (Thanh Hóa) thì cảnh báo về những hệ lụy kèm theo: Tất cả bộ SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định liệu có nảy sinh cơ chế xin-cho hay không; việc sử dụng nhiều bộ SGK nhưng chất lượng giáo viên, trình độ, cách quản lý, cơ sở vật chất, cách ra đề thi, kiểm tra đánh giá… không được cải thiện, thay đổi thì SGK sẽ không thể hiện tốt được vai trò của nó trong quá trình dạy và học.
Giải đáp băn khoăn cho các ĐB, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thông tin: Để đổi mới toàn diện và căn bản GD&ĐT, Chính phủ không chỉ có đề án này mà có 18 đề án liên quan đến những lĩnh vực khác nhau. Chính phủ đã phê duyệt đề án về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đề án về đội ngũ giáo viên, đề án đổi mới các trường sư phạm… Do thời gian hạn hẹp nên không thể trình bày hết ở nghị trường.
Không có lợi ích nhóm trong biên soạn SGK
Việc biên soạn CT-SGK là một công việc rất khó khăn, tỉ mỉ. Thực tiễn những lần làm sách trước đây cho thấy lực lượng tham gia vào việc biên soạn CT-SGK không nhiều. Theo dự báo, lực lượng làm SGK lần này còn ít hơn do làm sách theo cách mới là tiếp cận phát triển năng lực chứ không như những lần trước là truyền thụ kiến thức. Dự báo có hai khả năng có thể xảy ra: Thứ nhất, nhiều nhóm tập thể sẽ biên soạn, sách biên soạn sẽ tốt. Thứ hai, chưa có nhiều người sẵn sàng tham gia viết sách. Kinh nghiệm lịch sử của những lần làm sách vừa rồi đã cảnh báo là khả năng thứ hai rất dễ xảy ra. Nên phương án đề xuất Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK là để Chính phủ chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. Ở đây tuyệt nhiên không có vấn đề lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Việc thẩm định sách sẽ do một hội đồng bao gồm các nhà giáo, các nhà khoa học, các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này nhưng không tham gia vào việc viết sách. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHẠM VŨ LUẬN |